Tính đến ngày 19-3, không còn ngân hàng thương mại (NHTM) nào có lãi suất trên 9% ở kỳ hạn 6 tháng (kỳ hạn này cũng chỉ còn SCB và HDBank giữ mức lãi suất 9%).
Trong khi đó, các NHTM lớn áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động 8-8,5%/năm. Riêng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank có lãi suất huy động 6 tháng thấp nhất thị trường, ở mức 5,8%/năm. Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, hiện chỉ còn ABBank giữ lãi suất ở mức 9,1%/năm.
Các NHTM khác giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống phổ biến ở mức 8,3-8,5%/năm, riêng VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank có lãi suất chỉ ở mức 7,2%/năm.
Không chỉ giảm lãi suất, ngày càng nhiều NHTM cũng đưa ra nhiều chương trình lãi suất cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Cụ thể, Agribank vừa dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD cho vay ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn 1,5%/năm khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm khoản vay bằng USD so với lãi suất hiện hành. BIDV cũng có gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu hay từ 10,9%/năm trong 18 tháng đầu…
Các chuyên gia dự báo, xu hướng giảm của lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm trong quý 2 nhờ một số yếu tố: lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý 4-2022; các NHTM đã bắt đầu xu hướng giảm cả lãi suất huy động và cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế...
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng VinaCapital, cho biết, sự kiện Ngân hàng SVB (Mỹ) sụp đổ và Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) bị mất thanh khoản mới đây không ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam mà tạo điều kiện để NHNN Việt Nam hạ lãi suất và thu hút dòng tiền. Ngoài ra, đồng USD ngày càng yếu sẽ hỗ trợ đồng VND tăng giá; từ đó NHNN Việt Nam có điều kiện tích lũy dự trữ ngoại hối. Khi áp lực tỷ giá USD/VND giảm, tạo điều kiện để lãi suất VND giảm, hỗ trợ nền kinh tế.