Ngân hàng lãi đậm
Ở Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng nên ngân hàng vừa là “bà đỡ” vừa là “chủ nợ”. Vì thế, ngay cả khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều DN phá sản do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành ngân hàng vẫn ăn nên làm ra.
Từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết trên sàn chứng khoán và Agribank (NHTM 100% vốn nhà nước chưa lên sàn) cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 đạt khoảng 265.000 tỷ đồng (11,5 tỷ USD), tăng gần 34% so với năm trước. Trong đó, 22 NHTM có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với năm trước và phần lớn đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong số này, có 7 NHTM đạt mức lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VPBank, Agribank và VietinBank.
Không chỉ năm qua mà trong 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận cao. Cụ thể, năm 2020, thống kê báo cáo tài chính của 24 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế gần 151.000 tỷ đồng, tăng 15,8%, là mức lợi nhuận khá cao nếu so sánh với nhiều ngành kinh tế khác. Năm 2021, tổng lợi nhuận trước thuế của 24 NHTM cũng đạt hơn 197.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với năm 2020.
Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6-2022, trả lời chất vấn của đại biểu về việc vì sao 2 năm dịch Covid-19 ngành ngân hàng vẫn lãi “khủng”, trong khi người dân lao đao, nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được, nhiều DN phá sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tổ chức tín dụng cũng là DN, lập ra có mục tiêu kinh doanh thu lợi nhuận. Ngân hàng là hoạt động trung gian tài chính, thu từ lãi và dịch vụ khác nhưng hoạt động gắn liền với rủi ro, nợ xấu thường phát sinh không tránh khỏi. Nguồn tài chính cũng cần dự phòng để xử lý rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, so với các DN khác thì tổ chức tín dụng có quy mô vốn, tài sản rất lớn. Cuối năm 2020, toàn hệ thống tổ chức tín dụng có tổng tài sản 14 triệu tỷ đồng, đến tháng 3-2022 lên hơn 16 triệu tỷ đồng. Theo Thống đốc NHNN, tài sản của một NHTM có vốn nhà nước khoảng 1,7 triệu tỷ đồng thì lợi nhuận 20.000 tỷ đồng không phải là lớn. Tỷ lệ sinh lời trên vốn của một số tổ chức tín dụng so với DN ở các ngành khác không cao.
Thực tế ngân hàng cũng là DN, việc các ngân hàng huy động vốn của dân cũng phải kinh doanh hiệu quả, kiếm lợi nhuận là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) còn gặp nhiều khó khăn thì vốn tín dụng được đánh giá là động lực để tăng trưởng. Ngành ngân hàng cũng được Thủ tướng giao điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý. Trong khi đó, với mức lãi suất cao ngất ngưởng hiện nay sẽ khiến DN ngày càng kiệt quệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, ngân hàng cũng phải cạnh tranh và kiếm lợi nhuận nhưng ngành ngân hàng lãi “khủng” trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay là điều không bình thường. Theo ông Đức, đây có thể là chỉ dấu cho thấy lợi nhuận không chỉ đến từ việc tăng năng suất mà còn do chính sách. Lợi nhuận năm 2022 của ngành ngân hàng bằng khoảng 2,3% tổng dư nợ tín dụng của cả hệ thống ngân hàng. Con số lợi nhuận này đủ để hạ lãi suất toàn bộ hệ thống ngân hàng xuống 2,3 điểm %.
Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó thống đốc NHNN: Sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất
Năm nay, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt để đảm bảo được niềm tin của DN, người dân. Trong điều kiện thuận lợi, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết, đồng thuận vào cuối năm 2022. Trên thực tế, NHNN đang nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay thông qua việc hỗ trợ hệ thống. Hiện lãi suất trên thị trường đã dần hạ nhiệt.
Phải giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Giới chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất Việt Nam ở mức quá cao trong khi lạm phát thấp là điều vô lý. Cụ thể, lạm phát Việt Nam năm 2022 được kiểm soát ở mức 3,15%, định hướng năm 2023 dưới 4,5%. Còn lãi suất tiết kiệm tăng từ 9,5-13%/năm kể từ tháng 10-2022 và hiện duy trì mức tối đa 9,5%/năm. Như vậy, lãi suất thực dương cao hơn gấp đôi lạm phát. Hiện Việt Nam đang duy trì lãi suất thực dương có thể nói là cao nhất thế giới, trong khi một số nước thậm chí áp dụng lãi suất thực âm, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ phát triển, tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn như lạm phát của Malaysia ở mức 3-4% nhưng lãi suất huy động chỉ ở mức 2,5-3,5%/năm và cho vay ở mức 5-6%/năm. Hoặc mới đây Trung Quốc đã giảm lãi suất cho vay mua nhà lần đầu xuống 4,1%/năm hoặc thấp hơn (mức cho vay trước đó là 5,74%/năm)...
Thực tế cho thấy, lãi suất huy động cao đã đẩy lãi vay đối với khách hàng lên 12-15%/năm, thậm chí cao hơn khiến người cần vốn khó có thể chống chịu khi chi phí lãi vay quá cao. Phát biểu tại một buổi tọa đàm tổ chức tại TPHCM mới đây, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khẳng định: “Không DN nào sống được với lãi suất vay 15-16%/năm”.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, nếu lạm phát ở mức khoảng 4% thì lãi suất tiết kiệm khoảng 6-7%/năm là phù hợp, từ đó giúp lãi vay không ở mức quá sức chịu đựng của DN như hiện nay. Hiện Việt Nam đang có mức lãi suất cho vay cao nhất nhì thế giới. Với mặt bằng lãi suất này, DN trong nước sẽ đuối sức, khó cạnh tranh với DN nước ngoài - vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do đó, cơ quan điều hành cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vì độ "trễ" của chính sách tiền tệ thường mất khoảng 6 tháng.
Các chuyên gia cho rằng, cung ngoại tệ dồi dào hơn, thanh khoản trên thị trường đã cải thiện, sức ép tỷ giá giảm mạnh là cơ hội để NHNN tăng mua ngoại tệ dự trữ, tăng cung tiền đồng, giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất trong nước. Theo TS Trương Văn Phước, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tỷ giá đồng USD mất giá mạnh trong 3 tháng qua, chỉ số USD đã giảm 6,5%. Thị trường tiền tệ Việt Nam có những đặc thù riêng, nhưng vẫn chịu tác động bối cảnh chung của thế giới. Tuy nhiên, lạm phát Việt Nam năm 2023 tiếp tục được kiểm soát quanh mức 4% và chúng ta có nhiều thuận lợi cho giảm lãi suất cũng như có thể tăng cung tiền cao hơn năm 2022.
Theo ông Phước, có 2 yếu tố giải quyết được vấn đề lãi suất: cung cầu tiền tệ và thanh khoản của các NHTM. Về tổng thể, mức cung tiền tệ cần đáp ứng mức cầu tiền tệ của nền kinh tế. Nhưng nếu một bộ phận NHTM khó khăn về thanh khoản, lãi suất huy động sẽ bị đẩy tăng cao và hệ quả là lãi suất cho vay sẽ cao. Lúc này, để giảm lãi suất huy động, vai trò của NHNN để đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng là rất quan trọng. Lãi suất VND có thể hạ xuống nếu NHNN tái cấp vốn cho các NHTM với lãi suất phù hợp mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, cần tạo lập một thị trường tiền gửi liên ngân hàng tin cậy, hỗ trợ tích cực các NHTM về dòng tiền, thanh khoản. Đây là nhân tố quan trọng cho việc giảm lãi suất, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.