Doanh nghiệp gặp khó khăn
Công nghiệp hỗ trợ được xem là nền tảng sản xuất bền vững của nhiều ngành sản xuất khác. Bởi đây là khâu mắt xích tạo ra các nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM, chia sẻ, hầu hết DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có quy mô nhỏ, vốn mỏng. Cơ cấu nợ vay trong hoạt động của các DN này chiếm từ 80% trở lên, số còn lại là từ nguồn vốn tự có.
Hội nghị Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp do UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức ngày 28-2. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TPHCM, thông tin, thực tế từ hoạt động kết nối đơn hàng cung ứng giữa DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam với các DN FDI cho thấy, sản phẩm cung ứng của Việt Nam chỉ là sản phẩm sơ cấp, chưa phải là sản phẩm thiết yếu hoặc công nghệ cao có tính độc quyền. Những sản phẩm này sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh về giá rất lớn với các DN khác trong chuỗi cung ứng. Do đó, DN nội chỉ có thể duy trì biên độ lợi nhuận dưới 10% và không có khả năng đàm phán tăng hơn trước các DN FDI, nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”. Do đó, nếu lãi suất vay vốn ngân hàng duy trì ở mức 12%-16%/năm, cộng với tỷ giá đồng USD tăng, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, giá xăng dầu… đồng loạt tăng từ cuối năm 2022 đến nay thì các công ty khó trụ vững.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, DN ngành lương thực thực phẩm gặp khó khăn do vừa phải duy trì ổn định sản xuất vừa phải tái đầu tư công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng những rào cản kỹ thuật mới mà các thị trường xuất khẩu đang áp dụng. Do vậy, với mức lãi suất cao như hiện nay thì rất khó cho DN nếu muốn gia tăng hoặc tái đầu tư.
Để chia sẻ khó khăn với người dân do dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết DN trong ngành lương thực thực phẩm đã giảm mức lợi nhuận xuống thấp, thậm chí là 0%. Đến đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, các DN bắt tay phục hồi sản xuất nhưng khó khăn lại ập đến vì phải đối mặt hàng loạt vấn đề nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, lãi suất vay tăng mạnh. Hiện nhiều DN đã phải thế chấp toàn bộ tài sản của công ty để vay vốn sản xuất, nhưng vẫn chật vật vì thiếu vốn để mở rộng sản xuất.
“Bán mình”!
Thực tế ghi nhận, hiện đã có nhiều DN phải bán một phần cổ phần hoặc bán DN cho các quỹ đầu tư, DN FDI do khó khăn. Có thể kể đến như tại Công ty Nhựa Bình Minh, 51% cổ phần đã thuộc về Tập đoàn SCG (Thái Lan). Hay Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân đã phải bán 25% vốn cổ phần của DN mình. Trước đó, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản VISSAN, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt… đã phải bán một phần cổ phần hoặc cổ phần chi phối cho các quỹ đầu tư tài chính hay DN Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, “bán mình” là giải pháp đau đớn buộc phải chọn vì không ai muốn bán DN đã gầy dựng 10-20 năm. Thế nhưng làm sao DN trong nước có thể tồn tại, cạnh tranh với DN nước ngoài khi mức lãi suất vay trung và dài hạn ở ngưỡng 7%-16%/năm (tùy từng thời điểm)? Trong khi đó, các DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chỉ phải vay vốn với mức lãi suất 2%- 5%/năm.
Ở khía cạnh khác, nhiều DN Việt đã chọn cách “giữ mình”, nhưng áp lực họ gặp phải không ít, trong đó đặc biệt là sức ép cạnh tranh về tìm kiếm đơn hàng. Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc vận hành Công ty Bảo Hưng, chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, 3 thị trường xuất khẩu chính của công ty là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cắt giảm khoảng 25% lượng đơn hàng so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường trong nước, sức tiêu thụ hàng đồ gỗ nội thất cũng giảm mạnh. Hàng tồn kho tại hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối còn khá nhiều. Thêm vào đó, DN phải đối mặt với hàng Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng phủ rộng thị trường. Điều này đã buộc công ty phải cắt giảm hơn 30% nhân công lao động, giảm giờ làm để duy trì sản xuất.
Nhận định về xu hướng thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho rằng, hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ còn diễn ra khá mạnh mẽ theo hướng DN ngoại sẽ mua nhiều hơn DN tiềm năng trong nước. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ tính đến tháng 1-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 1,69 tỷ USD. Trước đó, trong cả năm 2022, con số này là 27,72 tỷ USD.
Cùng với việc “bán mình” của nhiều DN chủ lực, một mối lo khác là khó kiểm soát mức lạm phát. Bà Lý Kim Chi phân tích, trong “rổ” chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm chiếm vị trí rất lớn. Việc giữ được mức lạm phát như vừa qua là do các DN lương thực thực phẩm vẫn còn nằm trong tay DN Việt. Các DN này thường xuyên tham gia vào các chương trình bình ổn giá của thị trường, đặc biệt là chương trình bình ổn giá được áp dụng rộng tại TPHCM. Điều này đã giúp cho lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, với việc DN ngành lương thực thực phẩm đang bị đuối sức và rơi vào tay các DN nước ngoài thì câu chuyện có thể khác, việc đồng thuận tham gia vào các chương trình bình ổn thị trường như hiện nay sẽ phức tạp hơn…
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Nhóm hàng hóa thực phẩm chiếm 33% trong “rổ” CPI
Trong cơ cấu nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI của Việt Nam thì nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm chiếm 33%, còn lại là giao thông vận tải, điện, nước, xăng dầu, y tế. Năm 2022, Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát chính là do chủ động bình ổn giá lương thực thực phẩm. Phần còn lại là chủ động điều tiết giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế…
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Lãnh đạo phụ trách Tư vấn sự kiện đột phá, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam: Ngành tiêu dùng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Năm 2022, Việt Nam có 8 thương vụ huy động vốn được thông qua hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) thành công, với số vốn 71 triệu USD. “Khẩu vị” của thị trường IPO đã chuyển hướng quan tâm từ bất động sản sang sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng. Các cơ quan quản lý của Việt Nam đã thi hành nhiều chủ trương tích cực nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn và sự sôi động của thị trường vốn Việt Nam.