Môi trường đầu tư sụt giảm
WIPO chỉ rõ, năm 2022 được đánh dấu bằng sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn, lên mức cao kỷ lục 1.100 tỷ USD. Đặc biệt, các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học đã thu hút nguồn tài trợ lớn. Tuy nhiên, vốn đầu tư mạo hiểm (VC) - nguồn vốn giúp biến các ý tưởng và nguồn cảm hứng thành sản phẩm và dịch vụ - trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục giảm.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho điều kiện đầu tư khắc nghiệt hơn, bao gồm cả tốc độ phục hồi kinh tế chậm, tình hình địa chính trị căng thẳng, đã dẫn đến sự sụt giảm về nguồn tài trợ này. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng ở mức cao hiện nay gây nguy hiểm cho tương lai của sự đổi mới. Việc cho vay không còn miễn phí nữa. Đây thực sự là sự kết thúc của nguồn vốn rẻ.
Thay đổi trong danh sách
Mặc dù vậy, WIPO cũng đề cập đến một số điểm sáng trong bức tranh về sự đổi mới. Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu 2023 (dựa trên hàng chục chỉ số của các lĩnh vực như bằng sáng chế, công nghệ tiên tiến, mức độ phức tạp của sản xuất và xuất khẩu… của hơn 130 quốc gia), Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu danh sách này trong năm thứ 13 liên tiếp. Theo hãng tin Keystone-SDA, sự kết hợp giữa nghiên cứu mạnh mẽ, khả năng tài trợ cho đổi mới và ứng dụng nhanh chóng công nghệ của khu vực tư nhân vào thị trường kinh tế là những yếu tố dẫn đến thành công của Thụy Sĩ. Cơ quan Đổi mới Thụy Sĩ (Innosuisse) đã phê duyệt 53 dự án đổi mới của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các công ty khởi nghiệp với tổng tài trợ là 112 triệu CHF (125 triệu USD).
Chỉ số Đổi mới toàn cầu 2023 cho thấy nền kinh tế đổi mới từ lâu tập trung ở Bắc Mỹ và Tây Âu, đang ngày càng đa dạng hóa hơn trên khắp thế giới. Danh sách tốp 10 vẫn chủ yếu là các nước phương Tây, ngoại trừ Singapore ở vị trí thứ 5 và Hàn Quốc ở vị trí thứ 10. Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3, Thụy Điển hiện ở vị trí thứ 2 và Anh vẫn ở vị trí thứ 4. Mặc dù giá trị nguồn tài trợ của VC giảm mạnh, nhưng điều tích cực là các khoản đầu tư vẫn trải rộng về mặt địa lý và không bị thu hẹp lại, hay chỉ tập trung vào các trung tâm đổi mới truyền thống như trước đây. Singapore đã vượt qua Hàn Quốc về Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2023, trở thành thị trường châu Á có thứ hạng cao nhất trong danh sách. Trung Quốc nằm trong số các quốc gia có thu nhập trung bình đã leo lên bảng xếp hạng nhanh nhất trong thập kỷ qua, cùng với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran. Hiện Trung Quốc đã ở vị trí thứ 12, từ vị trí thứ 35, cách đây một thập kỷ.