Theo thông tin do POPS cung cấp, từ đầu năm 2019 đến nay, họ phát hiện một số sản phẩm thuộc sở hữu và độc quyền của mình bị đăng tải trái phép trên FPT. Ngày 23-1, POPS đã gửi thư khuyến cáo đến FPT yêu cầu chấm dứt và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, FPT chỉ chấm dứt sử dụng mà không bồi thường. Đến tháng 4, POPS lại phát hiện khoảng 303 nội dung do mình sản xuất, nắm quyền sở hữu và hơn 1.500 nội dung của đối tác nước ngoài mà POPS được cấp li-xăng (chuyển quyền sử dụng) bị khai thác trái phép. Hai bên đã có cuộc gặp gỡ vào ngày 9-5, sau đó FPT thông qua đại diện của mình là Bross & Partners, gửi công văn phản hồi cho POPS nhưng lại không đề cập đến việc giải quyết yêu cầu của POPS về hành vi xâm phạm, mà chỉ đề xuất hợp tác.
Trả lời câu hỏi này, đại diện truyền thông của FPT “khẳng định không xâm phạm bản quyền như POPS cáo buộc trong cuộc họp ngày 9-5” và “các bằng chứng POPS đưa ra là thiếu căn cứ”. Cũng theo FPT, họ “luôn thiện chí gặp gỡ để trao đổi hợp tác nhưng đến lần thứ 3 vẫn bất thành”. Một điều khá bất ngờ, trước việc bị “tố” xâm phạm, phía FPT trong văn bản gửi đi hôm 22-5, cho rằng phía POPS cũng đang vi phạm một số nội dung FPT đang nắm quyền sử dụng, khai thác độc quyền. Họ cũng yêu cầu đối phương phải gỡ toàn bộ các sản phẩm vi phạm, xin lỗi công khai, cam kết không vi phạm và bồi thường thiệt hại, thanh toán các khoản phí.
Trong sự việc giữa POPS và FPT lần này, mỗi đơn vị đang nắm giữ những thông tin, luận điểm và căn cứ pháp luật khác nhau để bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Khoan nói đến việc ai đúng - sai, nếu hai bên không đạt thỏa thuận, hãy để tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng. Vì theo chia sẻ của đại diện POPS, họ đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân quận 10 vào tháng 4 và đã được thụ lý. Nhưng từ sự việc này cho thấy rất nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến câu chuyện vi phạm bản quyền.
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực giải trí diễn ra tràn lan mỗi ngày với những hình thức ngày càng tinh vi, đa dạng. Câu chuyện này đã được đem ra bàn bạc, thảo luận tại nhiều hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các đơn vị sản xuất, phân phối, chuyên gia trong nước và quốc tế. Điều đáng nói là cả POPS và FPT đều là những đơn vị chính thống và rất hiểu vấn đề bản quyền.
Vấn đề bản quyền ở Việt Nam hiện nay, về mặt cơ sở pháp lý dù đã có quy định trong nhiều bộ luật khác nhau nhưng còn tồn tại những kẽ hở nhất định và các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các sự việc đều dừng lại ở mức xử phạt hành chính, chưa có vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, sai phạm này nối tiếp sai phạm kia và ngày một gia tăng. Sự phát triển chóng vánh về mặt công nghệ và thực tế luật chưa song hành cùng nhau. Rõ ràng, công nghệ đang đi trước một bước và dù ai cũng nhận thấy hành lang pháp lý cần phải thay đổi nhưng vẫn chưa thay đổi kịp thời.