Nuôi hy vọng mới
Dưới cái nóng như đổ lửa của tháng 5 nhưng trên các đồi vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), bà con nông dân vẫn miệt mài chăm sóc cây để nuôi hy vọng, đợi chờ thành quả sau gần một năm vất vả. Mặt bịt kín che chắn cái nóng gần 400C, tay thoăn thoắt cắt tỉa cành, ông Vi Văn Hồng ở thôn Muối, xã Giáp Sơn, phấn khởi khoe con đường dài gần 2km để xe mua vải thiều vào tận thôn, do chính người dân ở đây đóng góp và hiến đất làm đường đã được hoàn thành đầu tháng 5. Vụ vải năm nay, gia đình ông cũng như các hộ dân khác trong thôn sẽ không còn vất vả chở vải ra tận chợ Chũ để bán cho các tiểu thương như nhiều năm trước.
Giáp Sơn là xã đang có 1.860 hộ sống nhờ trồng vải, tổng diện tích gần 1.000ha. Chị Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông của xã Giáp Sơn cho biết, vụ vải năm nay mặc dù sản lượng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhưng bù lại, diện tích vải trồng theo tiêu chuẩn an toàn được mở rộng, giá có thể sẽ cao hơn mọi năm. Để chuẩn bị “dịch vụ hậu cần” cho vụ vải xuất khẩu vài ngày tới, ông Vũ Văn Tiến, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Lục Ngạn, cho biết, trên địa bàn có 3 cơ sở sản xuất thùng xốp, 42 cơ sở sản xuất đá cây đã bắt đầu khởi động, ngành điện lực sẽ đảm bảo cấp đủ điện cho các cơ sở hoạt động trong suốt mùa vải năm nay; sẽ bố trí lực lượng ứng trực suốt ngày đêm, sẵn sàng sửa chữa, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, thời điểm hiện nay mới chỉ chuẩn bị bước vào thu hoạch vải thiều chín sớm (chưa phải chính vụ) nhưng đã có hàng trăm thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp, tiểu thương từ các chợ đầu mối lớn trong nước đến huyện Lục Ngạn để khảo sát, đánh giá chất lượng, chuẩn bị thu mua vải.
Năm nay, toàn bộ diện tích 15.300ha vải thiều của Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp 36 mã số vùng trồng, cấp tem xuất khẩu. Bởi theo quy định mới của thị trường xuất khẩu, từ năm 2019, các sản phẩm trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải có tem nhãn chứng nhận xuất xứ để tiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Vì vậy, chính quyền cùng với doanh nghiệp đang khẩn trương, tạo mọi điều kiện, thủ tục thông thoáng nhất để thực hiện yêu cầu này.
Theo ông Hoàn, về phía huyện, hiện có 3 đơn vị đủ điều kiện đóng gói, dán tem truy xuất để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Địa phương cũng hỗ trợ kinh phí thiết kế mẫu mã, bao bì đối với các hợp tác xã sử dụng tem truy xuất tối đa là 20 triệu đồng/cơ sở và kinh phí hỗ trợ không quá 50%. “Đây là một trong những điều kiện khẳng định trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng; bảo vệ và nâng cao uy tín của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn”, ông Hoàn cho biết.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2019, tỉnh Bắc Giang duy trì gần 28.500ha vải, sản lượng ước khoảng 150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm sẽ diễn ra từ ngày 25-5 đến ngày 10-6; vải chính vụ từ ngày 5-6 đến ngày 5-7. Năm nay, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt VietGAP đạt gần 14.000ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218ha, tập trung tại huyện Lục Ngạn.
Tổ chức tuần lễ quảng bá xoài, mận Từ ngày 22-5 và kéo dài đến hết ngày 26-5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Sơn La đã khai mạc “Tuần lễ mận Sơn La năm 2019”. Theo ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La, tính đến tháng 5, tổng diện tích mận cho thu hoạch trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 8.715ha và sản lượng mận dự kiến đạt 50.747 tấn. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, cho biết, trước khi tổ chức “Tuần lễ mận Sơn La”, tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức “Tuần lễ xoài Sơn La” tại siêu thị BigC Thăng Long - Hà Nội. Tại đây, bà con đã bán được 30 tấn xoài, 20 tấn nhãn và 20 tấn chanh leo cùng nhiều sản phẩm khác, thu về 3,5 - 4 tỷ đồng. Nhưng chỉ riêng thị trường Hà Nội sẽ không “gánh” nổi cả vựa trái cây với nhiều chủng loại sản phẩm đang hoặc sắp vào mùa, nhất là đối với 2 loại trái có diện tích lớn như vải thiều và nhãn. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương để giúp bà con nông dân mở rộng thị trường nội địa, đồng thời mời gọi đầu tư, tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế lặp lại tình trạng được mùa rớt giá, trái cây phải tống tháo, thậm chí đổ bỏ như các năm trước. |