Lại Đà nước mắt tuôn rơi, tiếc thương người con ưu tú của quê hương

Hà Nội những ngày này, mưa sụt sùi suốt ngày như tiếc thương sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người con ưu tú của đất nước và dân tộc. Đau buồn hơn, với những người dân tại thôn Lại Đà (ở xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì sự mất mát này không gì có thể so sánh được. Với họ, Tổng Bí thư còn là người dân quê cao tuổi vô cùng giản dị, chân tình, ấm áp cùng bà con làng xóm, anh em họ hàng và bạn bè gần xa.

Tình làng, nghĩa xóm

Ngày 20-7, sau cơn mưa lớn, trời hửng nắng, con đường nhựa trải dài từ cổng làng Lại Đà chạy thẳng tới nhà văn hóa thôn nằm ngay sát khu di tích đình và chùa Lại Đà dường như vắng lặng hơn mọi ngày. Rất nhiều người dân trong thôn và các lực lượng chức năng đang tập trung tại khu vực nhà văn hóa, tất bật các công việc chuẩn bị để lo hậu sự cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mọi người không ai bảo ai, tất cả đều cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Trên khuôn mặt người nào cũng đều chất chứa nỗi buồn sâu thẳm khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Lại Đà ra đi.

z5651851619312_606ff9af59e344415103ceddfee907a0.jpg
Người dân thôn Lại Đà dọn dẹp, vệ sinh đường làng để chuẩn bị cho tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: NGUYỄN QUỐC
z5651851614738_712ba8f380ce0d2d0f8411874b011e08.jpg

Tại sân nhà văn hóa thôn, vừa chỉ đạo anh em, bà con họ hàng tập trung chuẩn bị các công việc cần thiết, ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, trưởng họ Nguyễn Phú ở địa phương, nghẹn ngào nói: Đối với bà con nhân dân địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của quê hương, những lời căn dặn của ông trong những lần về thăm quê đã trở thành định hướng cho quê hương phát triển từng ngày. Dù gia đình và họ hàng đã biết trước Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ốm nặng mấy hôm, nhưng mọi người bất ngờ về sự ra đi của ông, nên ai cũng rất đau buồn, tiếc thương.

DSC01360.JPG
Ông Nguyễn Phú Việt, Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà nghẹn ngào chia sẻ những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo ông Việt, sinh thời, do bận công việc đất nước và của Đảng nên Tổng Bí thư không thường xuyên về quê hương nhưng lần gần nhất là cách đây 2 tuần. “Lúc đó, ông cũng yếu lắm rồi nên khi về quê, Tổng Bí thư chỉ vào thắp hương tại nhà thờ họ. Còn những lần khác, mỗi lần về thăm quê hương, Tổng Bí thư rất gần gũi, chan hòa tình cảm với mọi người. Ông không chỉ ân cần thăm hỏi, động viên các bậc cao niên trong làng, tặng quà cho trẻ nhỏ mà còn trò chuyện, ăn cơm rất tình cảm với bà con”, ông Nguyễn Phú Việt cho biết và chia sẻ thêm: “Mỗi lần về thăm quê, bà con nhân dân địa phương đều đón nhận tình cảm chân thành, mộc mạc của Tổng Bí thư dành cho quê hương. Với các cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư cũng thường xuyên trò chuyện, căn dặn một người đảng viên phải luôn giữ gìn tư cách và đạo đức cách mạng trong sáng, cố gắng làm thật nhiều công việc có ích, có lợi cho nhân dân và địa phương”.

Nặng nghĩa, ân tình với quê hương

Nằm sát với nhà văn hóa thôn là khu di tích đình, chùa Lại Đà, ông Vương Hữu Nguyên (72 tuổi) là Thủ từ đình Lại Đà cho biết, vào dịp đầu Xuân năm 2014, khi đó Tổng Bí thư tròn 70 tuổi, ông và gia đình có về đình làng để mừng thọ, buổi lễ diễn ra rất giản dị và đầm ấm. Còn sau này, do bận công việc nên khi 75 và 80 tuổi, Tổng Bí thư đã không thể về đình làng để dự lễ mừng thọ của mình nhưng Tổng Bí thư vẫn rất nặng lòng và dành tình cảm đặc biệt cho quê hương.

z5652196050008_93ab2003fab4a8567f672462e8ed2549.jpg
Di tích đình làng Lại Đà. Ảnh: NGUYỄN QUỐC

“Hai vợ chồng Tổng Bí thư đều là người cao tuổi sinh hoạt tại thôn nên khi nghe tin ông ra đi, các thành viên trong chi hội người cao tuổi rất đau buồn và tiếc thương. Bởi những năm tháng qua, dù trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau nhưng mỗi khi về với quê hương, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ xem mình là một người dân bình thường, người con của quê hương Lại Đà rất chất phác và gần gũi. Trân quý hơn, mỗi dịp lễ tết, hay trong làng có việc gì thì vợ chồng ông đều gửi quà về giúp đỡ, ủng hộ”, ông Vương Hữu Nguyên cho biết.

z5651851615375_7c3bce10de9a646a73320a967b565348.jpg
Các bạn đoàn viên thanh niên thôn Lại Đà vệ sinh làng xóm để chuẩn bị tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh NGUYỄN QUỐC

Những ngày này, không khí trầm buồn lan tỏa khắp các gia đình, đường làng, ngõ xóm của thôn Lại Đà. Tại ngôi nhà số 9 nằm ở xóm 1, chỉ cách cổng làng Lại Đà chừng 100m, là nơi Tổng Bí thư đã được sinh ra, lớn lên và gắn bó cả tuổi thơ, rất nhiều người dân đã đến đây với mong muốn được vào thắp nén nhang tưởng nhớ người con ưu tú của quê nhà.

z5651858093258_a3b1696b2e4f656740db9a6ee5ea3e94.jpg
Ông Nguyễn Phú Luận, Hội người cao tuổi thôn Lại Đà. Ảnh: NGUYỄN QUỐC

Ông Nguyễn Phú Luận (78 tuổi, thành viên Ban chấp hành hội người cao tuổi thôn) nghẹn ngào bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi bất ngờ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, mỗi lần về quê, Tổng Bí thư cũng yêu cầu dừng xe từ ngoài cổng làng để ông đi bộ vào làng, đầu tiên là ông vào nhà thắp hương cho tổ tiên, tiếp đó, ông ra đình và chùa làng thắp hương. Tổng Bí thư cũng dành nhiều thời gian để ân cần thăm hỏi bà con lối xóm, bạn bè, động viên chúng tôi phải sống khỏe, sống có ích để con cháu noi theo", ông Luận nhớ lại.

Trong khi đó, bạn trẻ Lương Thị Lan Phương (22 tuổi, Bí thư chi Đoàn thôn Lại Đà) chia sẻ, đối với thế hệ thanh niên ở địa phương, chúng em luôn coi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng để noi theo, để nỗ lực phấn đấu, rèn luyện học tập xây dựng quê hương Lại Đà và đất nước Việt Nam không ngừng vững mạnh và phát triển.

Tin cùng chuyên mục