“Yêu lén lút thật đau khổ. Ai hiểu cho tui không?”, “Trốn vợ mà gặp em được có vài phút”… những nội dung này được các tài khoản trên TikTok chia sẻ một cách công khai, bất chấp những bình luận chỉ trích của cộng đồng mạng. “Chuyện này có gì hay mà đem ra khoe vậy bạn?”, “Phản cảm hết chỗ nói”, “Chuyện này cũng đùa được à”… Những bình luận phê phán của người dùng liên tục hiển thị dưới các bài viết, tuy nhiên các tài khoản chia sẻ vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Có thể những dòng chia sẻ trên chỉ là một dạng câu view và hoàn toàn không có thật, nhưng chuyện “ngoại tình”, “tiểu tam” thì có gì hay để nhiều bạn trẻ đem ra câu view. Và hành động này dù chỉ nhằm mục đích câu view hay thật đều đáng bị lên án và loại trừ.
Trước trào lưu này, TikTok cũng có hàng loạt trào lưu gây phản cảm khác như khoe chiến tích “giường chiếu”, khoe thân, khoe của theo kiểu “ông bà già tao lo”… khiến không ít lần cộng đồng mạng lên tiếng phản đối. Có thể thấy người dùng TikTok đa dạng, nhưng nhiều nhất là giới trẻ, độ tuổi dễ bị tác động bởi những gì đã nghe và xem. Mạng xã hội nói chung, hay TikTok nói riêng có lẽ cần một giải pháp mạnh tay hơn để kiểm duyệt và siết chặt các nội dung đăng tải, tránh dung túng cho những trào lưu phản cảm, “nhức mắt”, lệch lạc giá trị đạo đức, văn hóa.
“Có một thời gian, tôi gần như tham gia đủ các thể loại mạng xã hội, trào lưu nào mới xuất hiện là tôi tham gia hưởng ứng ngay. Nhưng càng ngày càng thấy mọi thứ nhạt nhẽo và phản cảm, nhất là những clip khoe thân nhưng lại gắn mác là nhảy sexy, rồi uốn éo trước màn hình. Tham gia nhiều mạng xã hội chỉ thêm mất thời gian mà cũng không học hỏi được gì nhiều, nên hiện tôi đã khóa hết các tài khoản, chỉ còn lại một cái để giữ liên lạc với bạn bè. Tôi nghĩ tham gia vào đây cho biết thì được, chứ dành thời gian cho nó nhiều quá không hay, rất dễ bị lậm”, Huỳnh Thành Đức (28 tuổi, nhân viên IT, ngụ quận 7) chia sẻ.
Cao hơn những quy định, điều khoản chính là thái độ của người dùng mạng xã hội. Người trẻ khi tham gia vào đây không chỉ cần có ý thức mà phải biết tạo cho mình một “sức đề kháng” để chống lại những trào lưu xấu; video, hình ảnh nhạy cảm. Quan trọng hơn hết vẫn là ý thức của mỗi người trẻ chúng ta, cần phân biệt được đâu là đúng - sai, tốt - xấu trong môi trường đa chiều của mạng xã hội. Từ đó, mỗi người sẽ có sự chọn lọc trong việc tiếp cận các nội dung đăng tải, hạn chế những lượt like, lượt chia sẻ vô thưởng vô phạt vì tò mò nhưng lại tiếp tay cho các nội dung gây sốc lan truyền nhanh hơn.