Theo thông tin từ ban tổ chức, lễ hội Putaleng gồm nhiều hoạt động như: thi đấu dù lượn đường trường Putaleng Việt Nam mở rộng lần thứ III năm 2024; chạy truyền thống Putaleng mở rộng lần thứ II năm 2024 chinh phục thác Tác Tình; đua bè trên Hồ Mường Lự; Liên hoan Khèn Mông huyện Tam Đường lần thứ II năm 2024... Trong lễ hội, du khách cũng sẽ được tham gia không gian giới thiệu văn hóa các dân tộc huyện Tam Đường; không gian giới thiệu sản phẩm, quảng bá, trưng bày các sản phẩm đặc hữu của địa phương; cùng với đó là các hoạt động quảng bá du lịch, những điểm đến không thể bỏ qua ở Lai Châu…
Lễ khai mạc lễ hội Putaleng dự kiến tổ chức vào tối 22-11 và điểm nhấn điểm là việc công bố Quyết định công nhận Rừng đỗ quyên cổ thụ trên núi Putaleng có diện tích lớn nhất Việt Nam. Cùng đó là màn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào, nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường. Màn nghệ thuật có sự kết hợp giữa các yếu tố âm nhạc, điện ảnh cùng hiệu ứng ánh sáng và sân khấu.
Các hoạt cảnh múa giới thiệu về mảnh đất và con người Tam Đường, Lai Châu - miền đất với những cánh rừng hoa đỗ quyên bạt ngàn, những cọn nước quanh năm cuộn chảy. Cầu kính rồng mây với độ cao 2.800m so với mực nước biển. Âm nhạc sẽ dẫn dắt khán giả thả mình trong những biển mây, biển hoa với âm thanh và màu sắc say đắm lòng người...
Không khí vui tươi trong những ngày lễ hội của đồng bào các dân tộc anh em cũng sẽ được sân khấu hóa, cảnh sinh hoạt cộng đồng của những người dân nơi đây sẽ được tái hiện, mỗi con người, mỗi phong tục tập quán đều mang một nét đẹp riêng, độc đáo, rực rỡ sắc màu, tạo nên mênh mang đất trời Tam Đường...