Lại bát nháo xe dù, bến cóc dịp tết

Nhu cầu đi lại của người dân đang dần tăng cao trong những ngày cận tết, cũng là thời điểm xe dù, bến cóc hoạt động bát nháo. Tại nhiều quán nước, cây xăng..., dọc các tuyến đường trong nội thành TPHCM và dọc quốc lộ 1A, nhiều xe dù ngang nhiên hoạt động đón, trả khách sai quy định.

Như nấm mọc sau mưa

Lúc 17 giờ ngày 13-1, tại chân cầu vượt Gò Mây thuộc quốc lộ 1A (quận Bình Tân) có khoảng 5-7 hành khách với hành lý lỉnh kỉnh đứng đợi xe tới đón, nhiều người chờ để gửi đồ về các tỉnh. 10 phút sau, xe khách Thanh H. hướng từ cầu vượt tấp vào lề để trả - đón khách khiến các phương tiện đang tham gia giao thông đột ngột giảm tốc độ, gây ùn ứ.

Tiếp đến, các xe khách thương hiệu S. Limousine, N. Ý,... cũng dừng xe đón khách tại bến cóc này. “Cứ đứng ở đây, muốn bắt xe về đâu cũng có, đi Bình Thuận, Tây Ninh, Tuy Hòa... Không cần đợi lâu, chừng 10-15 phút là có một xe tới. Hẹn đúng giờ có mặt tại đây xe sẽ tới rước đi”, một hành khách đang đợi xe cho biết.

Chạy dọc quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh nườm nượp xe dù đón khách tại các trạm dừng xe buýt, cây xăng hay những quán nước giải khát. Càng về chiều tối, lượng khách tập trung chờ đón xe càng tăng và lượng xe cũng hoạt động rầm rộ hơn.

Q1a.jpg
Xe dù đón, trả khách tại bến cóc trên quốc lộ 1A, đoạn chân cầu vượt Gò Mây, quận Bình Tân, TPHCM

Hoạt động đón - trả khách tại các bến cóc trên địa bàn TP Thủ Đức cũng diễn ra sôi động cả ngày lẫn đêm. Dọc đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) có gần chục trạm xăng dầu được chọn làm bến cóc, xe khách liên tục vô ra, như: Petro Bình P., Hoàng L.,...

Vào khoảng 14 giờ ngày 14-1, tại địa chỉ 502 (quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), lượng khách ra vào bãi xe Long K. tấp nập. Mỗi khi có khách tới, nhân viên tại đây ngay lập tức hỏi hành khách muốn về đâu, đi xe hãng nào, sau đó hướng dẫn khách đi vào khu vực “nhà chờ” bên cạnh để đợi tới giờ xe chạy.

Thực chất, “nhà chờ” chỉ được dựng vách ngăn sơ sài bằng tôn, phía trước trá hình bằng quán ăn, bên trong tập trung vài chục hành khách với nhiều vali, hành lý. Sâu bên trong bãi có chục chiếc xe khách với thương hiệu Mạnh H., Bảy V., Cúc T.... đang được các nhân viên xếp hàng hóa.

Ngay tại nội thành, tình trạng xe dù, bến cóc cũng diễn ra bát nháo. Điển hình là nhiều bến cóc trên đường Nguyễn Duy Dương (quận 5) với các nhà xe Võ Cúc P., Kim Mạnh H. thường xuyên vô, ra đón - trả khách. Hay như nhà xe Tân Lập T. thường đón trả khách tại số 84 đường Hùng Vương (quận 5). Mỗi khi xe ra vào bến cóc, các phương tiện di chuyển trên đường đều phải dừng hẳn để nhường đường, khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Chế tài phải đủ mạnh

Mới đây, UBND TPHCM đã ra quyết định xử phạt đối với bà Trương Nhật Lệ do có hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để làm bãi xe 39 ngay nút giao quốc lộ 1A - đường 18 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) với số tiền buộc phải nộp hơn 13,6 tỷ đồng.

Tại bãi xe này thường xuyên diễn ra hoạt động đón - trả khách như một bến xe thực thụ. Do nằm ở vị trí giao lộ nên khi xe ra vào bãi gây ảnh hưởng đến giao thông tại khu vực. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chế tài mạnh tay, hiện bãi xe 39 đã dừng hoạt động.

Q5c.jpg
Hành khách đợi xe tại “nhà chờ” của bãi xe Long K (quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM)

Theo ghi nhận của Thanh tra Sở GTVT TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 79 điểm hoạt động đón - trả khách không đúng quy định nằm rải rác tại TP Thủ Đức và các quận, huyện. Trong đó, tại TP Thủ Đức tập trung nhiều nhất với 22 điểm nằm dọc quốc lộ 13, đường Kha Vạn Cân, đường Liên Phường; tại quận 5 với 18 điểm; quận 10 và quận 1 có 8 điểm; quận Tân Bình tập trung 7 điểm; các quận, huyện khác có 1-5 điểm.

Trước tình trạng này, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản đề nghị Công an TPHCM, các quận huyện và TP Thủ Đức rà soát, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý mạnh.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM, cho rằng, hiện nay nhiều người dân không vào bến xe mà mua vé tại các bến cóc vì thuận tiện và nhanh chóng. Theo Sở GTVT, các bến xe cần tham chiếu những nhu cầu của người dân để điều chỉnh cách bố trí, hoạt động của bến bãi, xe trung chuyển cho phù hợp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới, kiến nghị, cần nghiên cứu việc tổ chức lại các tuyến xe buýt kết nối, tuyến vận tải liên tỉnh, phân bổ theo hướng, tuyến với các bến xe liên tỉnh đang được phân bố đều tại các cửa ngõ thành phố. Theo ông Hải, hướng đến nên dừng hẳn các phương tiện trên 16 chỗ chở khách liên tỉnh vào trung tâm thành phố (trừ các phương tiện vận chuyển theo đối tượng riêng, đặc thù) nhằm hạn chế kẹt xe, lập lại trật tự an toàn giao thông.

Nhờ metro, bến xe nay đã gần hơn

Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới, thông tin, thống kê đến 12-1, lượng khách sử dụng metro đi từ trung tâm thành phố đến Bến xe Miền Đông mới để đi xe đến các tỉnh khoảng 153 hành khách/ngày; với chặng ngược lại bình quân 218 hành khách/ngày. Điều này cho thấy hành khách đã tìm hiểu và chọn metro đi đến bến xe cho thuận tiện, nhanh chóng.

Tin cùng chuyên mục