Tuy nhiên, cùng với tín hiệu lạc quan của thị trường, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện nội lực sản xuất đáp ứng tốt hơn nữa các rào cản kỹ thuật xuất khẩu dự kiến sẽ được nhiều thị trường dựng lên trong thời gian tới.
Tận dụng lợi thế kép tăng tốc xuất khẩu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Mỹ vượt qua thị trường Châu Âu và Trung Quốc, vươn lên vị trí dẫn đầu về mức tiêu thụ thủy hải sản Việt Nam với 982,9 triệu USD, chiếm 17,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2017. Còn thị trường châu Âu rơi xuống vị trí thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu đạt 962,21 triệu USD, chiếm 17,28% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 12%.
Lý giải về việc vấn đề này, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy hải sản Việt Nam khẳng định, trước hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra những lợi thế nhất định cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt do nội lực của doanh nghiệp Trung Quốc có phần suy yếu. Nhất là trong 5.800 mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế thêm 10% và sẽ có hiệu lực vào này 24-9, trong đó bao gồm rất nhiều mặt hàng nông sản. Quan trọng hơn, những rào cản kỹ thuật ngặt nghèo về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ không làm khó được doanh nghiệp Việt Nam vốn đã rất có kinh nghiệm và có sự chuẩn bị rất kỹ khi tham gia vào thị trường này.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là Bộ Thương mại Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm cá da trơn và tôm - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sau khi tiến hành điều tra theo đơn kiện của các doanh nghiệp Mỹ từ ngày 10-9. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm của Việt Nam giảm còn 4,58% (thấp hơn mức thuế trước đó là 25,39%) và cá da trơn xuống 2,39USD/kg (thấp hơn mức thuế trước đó là 3,87USD/kg). Điều này không chỉ tạo sức bật trong hoạt động xuất khẩu thủy hải sản của doanh nghiệp Việt Nam mà còn góp phần khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm Việt Nam tại thị trường thế giới trong thời gian tới. Ông Đào Trọng Nhân, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết thêm, sau một thời gian bị gián đoạn xuất khẩu do Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) áp dụng những quy định mới liên quan đến thủ tục đăng ký xuất khẩu hàng hóa và Luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay nhiều doanh nghiệp nội đã bắt kịp yêu cầu quy định mới này và đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Mỹ.
Tăng giá trị xuất khẩu với hàng Việt
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thương hiệu sản phẩm Việt Nam nói chung và thủy hải sản Việt Nam nói riêng đã dần khẳng định trên thị trường thế giới. Điều này một phần nhờ vào định hướng phát triển của các doanh nghiệp đã có sự thay đổi trong những năm gần đây. Thay vì chỉ tập trung xuất khẩu thô thì các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư xuất khẩu sản phẩm qua chế biến gắn với thương hiệu của mình. Song song đó, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công thương mà trực tiếp là các tham tán thương mại tại các nước tổ chức, doanh nghiệp nội cũng có cơ hội hợp tác và xuất khẩu trực tiếp sản phẩm thương hiệu Việt với các đối tác nước ngoài. Tại thị trường nội địa, sản phẩm Việt cũng được hỗ trợ xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống phân phối ngoại. Đây cũng được xem là giải pháp an toàn, phù hợp với đa số doanh nghiệp nội vốn đang bị hạn chế năng lực xuất khẩu trực tiếp.
Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu Việt cần phải cẩn trọng với rào cản kỹ thuật sẽ được nhiều nước dựng lên dày đặc trong thời gian tới. Hiện doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng nhiều từ thị trường châu Âu. Tính riêng ngành thực phẩm, trong năm 2017 có khoảng 92 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay là 44 trường hợp.
Theo bà Marieke Van Der Pijl, Chuyên gia, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), các mặt hàng của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu chủ yếu là do vướng vấn đề an toàn thực phẩm như đóng gói chưa bảo đảm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định… Vấn đề này sẽ có tác động tiêu cực đến độ tin cậy của nhiều thị trường khác ngoài châu Âu đến hàng hóa xuất khẩu chung của doanh nghiệp Việt.
Cũng theo bà Marieke Van Der Pijl, hiện thị trường châu Âu vẫn rất ưa chuộng tiêu chuẩn Global GAP - Bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Do đó, nếu áp dụng cùng tiêu chuẩn, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dễ có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này. Bộ Công thương cũng nhấn mạnh thêm, không chỉ ở thị trường Mỹ, châu Âu mới có những tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm mà ở tất cả các thị trường xuất khẩu đều có những tiêu chuẩn hết sức khắt khe về vấn đề này. Mục đích nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước nhưng cũng là rào cản kỹ thuật để nhằm hạn chế hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác, nhất là trong bối cảnh hiệp định tự do thương mại đang dần xóa bỏ rào cản thuế quan giữa các nước. Không chỉ vậy, mỗi quốc gia và khu vực có tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng hàng hóa khác nhau nên sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt có thể đạt ở thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng không chắc sẽ phù hợp ở thị trường châu Âu. Do đó, khi xuất khẩu vào thị trường nào, doanh nghiệp chỉ cần chứng nhận hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường đó để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.