Sức mạnh quan hệ song phương
Theo TTXVN, TS Tomotaka Shoji, Giám đốc Ban Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS), Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nhận định trong bối cảnh năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, cũng như kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản, chuyến thăm là cơ hội để Thủ tướng Fumio Kishida và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tái khẳng định sức mạnh của quan hệ song phương và sự phát triển hơn nữa trong quan hệ song phương, đa phương.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đến sân bay Haneda, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tối 26-11. Ảnh: TTXVN |
Hai nước có thể thiết lập và duy trì mối quan hệ song phương bền chặt nhờ sự gần gũi về mặt địa lý, sự đồng cảm về sắc tộc, sự bổ sung về kinh tế và các lợi ích chiến lược hội tụ. Ông cho rằng thế mạnh đầu tiên là hợp tác kinh tế, nhấn mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực này đã có sự tiến triển vô cùng mạnh mẽ.
Nhật Bản từ lâu đã coi trọng hợp tác kinh tế trong chính sách ngoại giao. Với tiềm lực kinh tế mạnh, Nhật Bản mong muốn phát huy lợi thế để tăng cường quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, TS Tomotaka Shoji khẳng định an ninh cũng là một lĩnh vực hợp tác rất quan trọng và hai bên có rất nhiều triển vọng để hợp tác trong lĩnh vực này.
Nhiều bước phát triển mạnh mẽ
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Việt Nam và Nhật Bản đều hết sức coi trọng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước cùng trao đổi và thống nhất về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói một cách ngắn gọn, chuyến thăm sẽ mở ra trang mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Khoảng 19 giờ 15 ngày 26-11 giờ địa phương (khoảng 17 giờ 15 cùng ngày theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay và khách sạn có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và phu nhân; lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật Bản; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và phu nhân; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại sân bay Haneda. Ảnh: TTXVN |
Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng số vốn của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam, với 29,3 tỷ USD, trong đó viện trợ không hoàn lại là 1,8 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD; năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đạt trên 32,9 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp (FDI), FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến 20-9-2023 đạt 71,3 tỷ USD với 5.198 dự án còn hiệu lực, xếp thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.