Trong đó gồm 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic, người giám sát việc thành lập nền tảng đấu thầu khí đốt AggregateEU cho biết: “Với AggregateEU, chúng tôi đã tạo ra một thị trường mới ở châu Âu, giúp tăng cường an ninh năng lượng trước mùa đông tới và lấp đầy các kho chứa khí đốt”.
AggregateEU là một trong những nỗ lực của EU nhằm đối phó với việc tăng giá khí đốt trong khu vực sau khi Nga giảm mạnh xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu do xung đột tại Ukraine. Gói thầu đầu tiên bao gồm việc giao khí đốt từ tháng 6-2023 đến tháng 5-2024.
Tổng cộng có 101 công ty đã đăng ký tham gia mua khí đốt chung. Theo quy định của AggregateEU, các quốc gia thành viên EU phải tham gia vào cơ chế tổng cầu này để mua chung ít nhất 15% khối lượng cần thiết nhằm đạt mục tiêu của EU đặt ra là lấp đầy 90% kho dự trữ trước tháng 11. Đa số lượng khí mua chung lần này có nguồn cung từ các nước như Na Uy, Algeria và Azerbaijan. AggregateEU cũng mang đến cơ hội hấp dẫn cho Mỹ với việc Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic chủ trì cuộc họp giữa các công ty khí đốt của EU và các công ty LNG của Mỹ.
Theo ông Sefcovic, đây cũng là cơ hội để các nhà cung cấp khí đốt quốc tế mở rộng khách hàng, đôi bên cùng có lợi. Ông Sefcovic khẳng định: “Đó là một cột mốc lịch sử. Bởi đây là lần đầu tiên chúng tôi tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và giải quyết vấn đề giá khí đốt cao”.
Nhờ các biện pháp kịp thời, giá khí đốt châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng năng lượng do Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Giá khí đốt ở châu Âu giảm xuống còn 35 EUR/m3 đã củng cố nhận định rằng giá năng lượng đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, các nhà phân tích và thương nhân cảnh báo không nên tự mãn, châu Âu vẫn có thể đối mặt với những thách thức trong mùa đông tới.