Thanh khoản trên thị trường đã cải thiện, thông tin tích cực từ bên ngoài, cùng với các yếu tố vĩ mô trong nước được kỳ vọng sẽ giúp thị trường xác lập xu hướng tăng điểm trong giai đoạn cuối năm 2019.
Ảnh hưởng yếu tố bên ngoài
So với năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019 được nhìn nhận ít biến động vì vận động trong biên khá hẹp. Các chuyên gia đánh giá, yếu tố nội tại không có vấn đề gì lớn, nhưng cũng không có động lực để đi lên sau khi VN-Index giảm mạnh trong năm 2018.
Trong khi đó, bối cảnh ở bên ngoài, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có dấu hiệu leo thang, đã tác động đến thị trường. Vì thế, câu chuyện thị trường chứng khoán phụ thuộc vào từng cổ phiếu và tùy vào “khẩu vị” giá sẽ tăng. Thực tế thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, nhóm cổ phiếu nhiệt điện, thủy sản, dệt may và khu công nghiệp tăng tích cực.
Đến tháng 4 và tháng 5, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh tác động lớn đến thị trường. Trong tháng 6 thì “cổ phiếu vua” ngân hàng quay lại dẫn dắt thị trường. Giai đoạn tháng 7, các DN đang chuẩn bị cho mùa báo cáo bán niên và những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực, các nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng và ngành hưởng lợi từ vòng xoáy thương mại như dệt may, gỗ… cũng tăng rất khả quan. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn sẽ kiếm tìm cơ hội ở những cổ phiếu có tin tức.
Nhận định về thị trường chung, các chuyên gia trong ngành dự báo, thị trường sẽ tích cực trở lại khi thanh khoản bắt đầu cải thiện. Nếu cộng hưởng với những thông tin tích cực tác động từ bên ngoài, như Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận thương mại và việc FED tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất thận trọng, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực trong nước sẽ giúp thị trường xác lập trở lại xu hướng tăng điểm giai đoạn nửa cuối năm 2019. Nhiều công ty chứng khoán dự báo VN-Index có thể chạm mức mục tiêu 1.068 điểm trong quý 4-2019 và kết thúc năm 2019, VN-Index giữ trên mốc 1.000 điểm.
Dòng tiền quay lại thị trường
Thanh khoản thị trường trong tháng 7 cũng đã cải thiện so với trước đó, có phiên chỉ riêng vốn nội đã lên quanh con số 3.000 tỷ đồng, trong khi các phiên giao dịch tháng 6 trung bình chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng/phiên.
Cùng với đó, diễn biến khởi sắc của thị trường trong giai đoạn vừa qua có sự hỗ trợ không nhỏ từ khối ngoại, khi họ tiếp tục mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong 2 tuần đầu tháng 7, ngược lại với bán ròng mạnh trong 6 tháng trước đó. Tính từ phiên giao dịch ngày 18-7, khối ngoại đã mua ròng 11 phiên liên tiếp, trước đó, ngày 16-7 khối này đã gom gần 480 tỷ đồng khi thị trường biến động mạnh.
Cùng với đó, sự tươi mới từ sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW) vừa được chính thức giao dịch vào cuối tháng 6-2019, sẽ tạo tâm lý tích cực chung cho thị trường vì sản phẩm này được kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền cả nội lẫn ngoại tham gia, ít nhất là trong khoảng thời gian đầu, góp phần tạo vài cú hích đáng kể làm động lực thúc đẩy VN-Index trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) cũng tạo hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam; qua đó gián tiếp tác động tích cực tới thị trường chứng khoán thông qua nhóm các cổ phiếu được hưởng lợi từ hiệp định như dệt may, thủy sản, xuất khẩu gỗ, cảng biển… EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung không dễ đi đến hồi kết, hàng hóa của Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thêm các thị trường mới.
Bộ phận phân tích thị trường của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, dòng tiền từ nước ngoài sẽ phụ thuộc từ những yếu tố vĩ mô cả trong và ngoài nước. Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng trưởng chậm đã được dự báo từ trước, nhưng cũng sát với mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Các thước đo như chỉ số PMI hay chỉ số sản xuất công nghiệp đều cho thấy tín hiệu nền kinh tế tiếp tục ổn định.
Liên quan đến yếu tố bên ngoài, kết quả từ cuộc họp của FED cuối tháng 7-2019 sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền ngoại và thị trường toàn cầu. Trường hợp FED cắt giảm lãi suất cuối tháng 7 này, VN-Index có thể sẽ phản ứng tích cực và dòng tiền có thể duy trì vào thị trường chứng khoán Việt Nam.