Khác biệt lớn nhất của đầu năm 2024 so với năm 2023 là khu vực sản xuất công nghiệp và du lịch đang tốt lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số quản trị mua hàng tháng 2 đạt 50,4 điểm và 2 tháng đầu năm đều trên 50. Tuy vậy, điều đáng lưu ý là 2 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp suy giảm sâu, có nghĩa mức tăng năm nay có phần nhờ dựa trên một mức nền rất thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Đầu năm 2024, các đơn hàng sản xuất nhiều hơn, công nhân có việc làm, khu vực sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, du lịch, xây dựng cầu đường, nhà ga, bến cảng… tốt lên, dẫn đến sức tiêu dùng và sức mua của cả xã hội sẽ tăng lên, dù có độ trễ nhất định. Đầu tư nước ngoài giữ “phong độ” ổn định: đăng ký mới 2 tháng đầu năm tăng 38,6%, vốn thực hiện tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Sự thận trọng vẫn rất cần thiết, nhất là khi giải ngân vốn đầu tư công chỉ tăng 2,1%; tổng mức bán lẻ 2 tháng đầu năm chỉ tăng 5% sau khi đã loại trừ yếu tố giá (cùng kỳ tăng 10,9%).
Cần biết rằng, những năm gần đây tăng trưởng tiêu dùng trở thành nhân tố quyết định và đóng góp phần lớn vào tăng trưởng; trong khi tăng trưởng 2 tháng đầu năm nay chỉ bằng hơn một nửa so với đầu năm 2023. Cùng với việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục trong 2 tháng đầu năm (khoảng 63.000 doanh nghiệp), cao hơn nhiều so với số gia nhập thị trường (41.000 doanh nghiệp), tín dụng tăng trưởng âm (-1%) so với cuối năm 2023, cho thấy nhu cầu về vốn của nền kinh tế còn rất yếu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lạm phát có dấu hiệu gia tăng; điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến khả năng giảm lãi suất và hấp thụ tín dụng. “Các điểm tích cực là có nhưng tình hình nhìn chung khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi nên cần tiếp tục quan sát kỹ tình hình và vẫn cần những giải pháp điều hành theo hướng thận trọng”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.