Lợi kèm hại
Theo bài viết, một số quốc gia Đông Nam Á dự báo tình trạng La Nina sẽ xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10-2024. Trái ngược với các đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng của El Nino, La Nina thường gắn liền với thời tiết mát mẻ và ẩm ướt hơn. Thông thường, La Nina làm gia tăng lượng mưa ở một số vùng Đông Nam Á, nhất là ở Philippines, Indonesia và Malaysia. Lượng mưa bổ sung trùng với mùa gieo trồng có thể cải thiện độ ẩm của đất, do đó có lợi cho cây trồng, nhưng mưa, gió nhiều hơn bình thường có thể gây ra lũ lụt hoặc nhiều cơn bão có sức tàn phá lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu đã khiến La Nina trở nên khắc nghiệt hơn và điều này có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt, nhất là ở các vùng nông nghiệp trũng thấp. Nếu lượng mưa trùng với các thời kỳ quan trọng trong chu kỳ vụ mùa, La Nina cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các loại cây trồng đã trưởng thành và làm trầm trọng thêm các đợt bùng phát dịch hại và bệnh tật.
Đáng chú ý, các địa phương chịu ảnh hưởng của El Nino mạnh vào năm ngoái có thể đã phải chịu những tác động bất lợi về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến năng suất của các mùa gieo trồng tiếp theo. Ví dụ, đất bị nén chặt do nắng nóng và hạn hán vào năm 2023-2024 có thể khó hấp thụ nhanh nước mưa, dẫn đến lượng dòng chảy cao hơn và gây ra lũ lụt.
Chủ động giảm thiểu rủi ro
La Nina thường tác động đến nguồn cung ngũ cốc chính trên toàn cầu vì gây khô hạn và năng suất thấp cho các vụ thu hoạch tại Argentina và Brazil. Cả hai quốc gia này đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc giá rẻ lớn. Đôi khi sự suy giảm này có thể được bù đắp bằng những lợi ích về nông nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và một số vùng Bắc Mỹ do thời tiết thuận lợi, mặc dù thời điểm và cường độ của lượng mưa rất quan trọng. Lũ lụt trong thời kỳ thu hoạch có thể dẫn đến năng suất thấp hơn.
Đông Nam Á là khu vực nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn. Indonesia là 1 trong 3 nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới và Philippines nằm trong số 10 nước nhập khẩu hàng đầu. Nhiều nước Đông Nam Á là nước nhập khẩu ròng về ngô. Lúa mì được sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, trong khi hầu hết ngô được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Bất kỳ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu nào cũng sẽ làm tăng giá thịt ở Đông Nam Á, tác động đến an ninh lương thực.
Bài viết kết luận bất kể tác động của La Nina như thế nào, các quốc gia Đông Nam Á nên chủ động giảm thiểu rủi ro và nắm bắt những lợi ích tiềm năng.
Các biện pháp bao gồm hỗ trợ nông dân phục hồi nhanh chóng sau những thách thức liên quan đến El Nino của năm ngoái, chuẩn bị cho khả năng lạm phát giá thịt và gián đoạn chuỗi cung ứng do năng suất ngũ cốc giảm ở các khu vực chịu ảnh hưởng của La Nina ở Mỹ Latinh.
Về lâu dài, các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ cần đầu tư vào việc cải thiện nghiên cứu và phát triển cho các loại cây trồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững và khả năng phục hồi lâu dài về lương thực trong khu vực.