Lớp học xóa mù chữ được mở từ tháng 7- 2019 tại trường Tiểu học và THCS Hướng Linh (thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ban đầu, trường có khoảng 20 người theo học nhưng hiện nay số người tham gia đã tăng lên 36. Người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, nên lớp học được mở lúc 16 giờ 30 và kết thúc lúc 19 giờ từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần.
Những người tham gia lớp học có nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng họ đều là những lao động, trụ cột chính trong gia đình. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng từ khi có lớp học xóa mù chữ, người dân nơi đây đã cố gắng sắp xếp công việc nương rẫy để đến lớp học sớm hơn.
Chị Hồ Thị Phong (45 tuổi, thôn Hoon, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa) cho hay: “Gia đình có 6 người con, công việc chủ yếu là làm nương rẫy, trồng sắn, ngô. Chồng mất được hơn 5 năm nay, một mình nuôi con. Được thầy cô tạo điều kiện, trường học cách rẫy tầm 3 cây số nhưng cứ đến chiều dù chưa xong công việc cũng phải sắp xếp về để kịp giờ tới lớp học. Giờ mình đi học cũng là lúc đứa con gái út đi học về. Ngoài học trên lớp, về nhà mấy đứa con cũng chỉ thêm, từ nào không hiểu thì hỏi con. Tham gia học được hơn 4 tháng, giờ biết đọc, biết viết, đi về thành phố bán đồ hay đi lên xã làm thủ tục, giấy tờ cũng tự tin hơn”.
Bà Hồ Thị Hoa (60 tuổi, học viên lớn tuổi nhất của lớp) chia sẻ: “Rất vui khi được đi học chữ, ưng biết chữ, để đi đâu hay con cái hỏi còn biết. Sau mấy tháng đi học mẹ cũng đã đọc và viết được sơ sơ”.
“Trước đây, 15 tuổi mới được học mẫu giáo, tới 18 tuổi thì lấy chồng rồi sinh con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cùng việc nương rẫy vất vả nên không đi học tiếp. Nay được các cán bộ, thầy cô vận động và tạo điều kiện cho đi học lại nên rất vui, phấn khởi. Đi học khi tuổi đã cao, nhiều khi cũng ngại, nhưng vì muốn biết chữ nên cố gắng đi. Thầy cô tận tình chỉ từng chữ, nay tôi cũng đã có thể biết đọc, biết viết rồi, cảm ơn thầy cô”, bà Hoa giãi bày.
Thầy giáo Lê Minh Quốc, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hướng Linh cho biết: “Công tác vận động người dân tới lớp cũng gặp nhiều khó khăn. Ban ngày người dân đều ở nương rẫy, nên thầy cô phải đến từng nhà lúc chiều tối hoặc lên tận rẫy để vận động người dân đi học. Phương pháp dạy học cũng thay đổi, thầy cô chủ động đưa vào chương trình những bài học dễ, gần gũi với người dân. Ngoài cấp phát sách vở cùng dụng cụ học tập, trước mỗi buổi học thầy cô sẽ in bài học ra giấy để phát cho học viên, để khi về nhà hay đi làm đều có thể mang theo học. Ngoài lớp học ở bản Mới, lớp xóa mù chữ còn được mở tại bản Cu Vơ và Coóc”.
Được nghe những câu chuyện của những người mẹ, người bà - những học viên đặc biệt của lớp học chia sẻ, được tham gia buổi học của những thầy cô tận tâm bám bản, mới cảm nhận được phần nào những gian khó mà người dân cùng thầy cô nơi đây đã và đang phải đối mặt trên chặng đường phía trước.