Rưng rưng ký ức
Mặc cho những cơn mưa lắc rắc, dòng người đến Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong ngày 30-4 vẫn khá đông. Nếu các bạn trẻ đến đây trong sự háo hức, tò mò thì nhiều người lớn tuổi đến để cùng ôn lại những ký ức về một thời gian khó nhưng anh dũng và tự hào.
Đi lại khó khăn, bà Nguyễn Thị Khánh, 86 tuổi, vịn vào tay người con trai đã gần 60 tuổi chăm chú nhìn từng bức hình, xem từng sơ đồ trong chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 được trưng bày tại nhà D67 lịch sử. Nhà ở ngay quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhưng bà Khánh chưa từng đến thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phần vì sức khỏe yếu, phần vì con cháu cũng bận. Đợt nghỉ lễ 30-4 năm nay, bà đã thực hiện ao ước bao lâu của mình.
48 năm trước, bà Nguyễn Thị Khánh đang làm công nhân Nhà máy xe đạp Thống Nhất, chồng và anh trai chiến đấu ở miền Nam nên bà luôn ngóng từng tin tức từ chiến trường gửi về. Khi đứng giữa những tư liệu hình ảnh, hiện vật liên quan tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mọi ký ức về những ngày lịch sử ấy như ùa về chân thực và tươi mới. “Khi nhận được tin giải phóng Sài Gòn, người dân thủ đô tràn ra đường, người mang cờ, biểu ngữ, người mang nhạc cụ… Ai cũng reo lên - hòa bình rồi, thống nhất rồi… Hơn ai hết, tôi biết rằng ngày gia đình sum họp đang rất gần”, bà Khánh nhớ lại.
Cũng đã ở tuổi ngoài 80, ông Nguyễn Đình Thắng, ở Phú Yên, ngay lần đầu ra Hà Nội đã cùng với các cháu nội, ngoại tìm đến tham quan nhà và hầm D67. Ông kể, đã đọc và nghe kể rất nhiều về di tích lịch sử - cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, song tận mắt được xem các hiện vật, ông cảm nhận được vị trí tối quan trọng của di tích này. Nơi đây, từ năm 1968 đến năm 1975 trở thành tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách chiến lược đối với cách mạng miền Nam.
Ở tuổi này chắc ông sẽ không còn có thêm nhiều cơ hội để trở lại nơi đây và lời ông dặn những người cháu của mình, khiến chúng tôi nhớ mãi: “Đi, trải nghiệm để trưởng thành nha mấy đứa, để biết và bảo vệ thành quả của ông cha mình…”.
Tự hào tiếp nối
Từ sáng sớm, cựu chiến binh Lê Xuân Thê (65 tuổi, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cùng đồng đội vượt hơn 15km đến tham dự lễ thượng cờ tại Kỳ đài phía Bắc Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Sau Hiệp định Geneva được ký kết vào ngày 20-7-1954, đất nước lại bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, dòng sông Bến Hải - cầu Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị) trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Nơi đây trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt trong hơn 20 năm và khát vọng thống nhất của dân tộc ta.
Lặng nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay được kéo lên trong tiếng nhạc Tiến quân ca cùng dòng người từ khắp nơi đổ về tham dự ngày hội Thống nhất non sông, cựu chiến binh Lê Xuân Thê xúc động: “Mảnh đất giới tuyến nơi bao lần chịu giày xéo, tàn phá của bom đạn ác liệt, giờ đây đang đổi thay, từng bước chuyển mình. Mảnh đất với những hố bom đạn chi chít nay đã là ruộng lúa chín vàng trải dài, những ngôi làng khang trang, điện đường, trường học đầy đủ”.
Đứng cạnh bên, bà Hoàng Thị Chẩm (73 tuổi, trú thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), nữ du kích 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, chia sẻ: “Tôi không còn nhớ đây là lần thứ bao nhiêu tham dự lễ thượng cờ nhưng lần nào cũng là cảm giác tự hào, xúc động. Sau chiến tranh, tôi trở thành nữ hộ sinh của xã. Từ những năm tháng còn nhiều khó khăn thiếu thốn, hàng trăm em bé dọc vùng giới tuyến được ra đời như minh chứng cho sức sống, sự hồi sinh mãnh liệt của mảnh đất từng chịu nhiều đau thương mất mát. Những đứa trẻ đó giờ đã khôn lớn, đã và đang góp phần cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Chúng tôi, những người dân Quảng Trị tự hào về sự tiếp nối đó”.
Và những bình yên hôm nay
Vừa xem xong một chương trình kỷ niệm ngày 30-4 lịch sử trên truyền hình, cô Nguyễn Thị Hồng (nguyên cán bộ quân báo, Công an vũ trang tỉnh Bến Tre, hiện ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) quay qua bật những bài hát đã nằm lòng từ năm tháng còn trong chi ến khu. Cô chia sẻ: “48 năm qua rồi, nhanh quá chừng con ơi!”. Niềm vui ngày thống nhất trong ký ức năm ấy của cô Hồng vẫn lưu giữ nguyên vẹn trong từng khúc ca, từ Xuân chiến khu (nhạc sĩ Xuân Hồng), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) đến Giải phóng miền Nam (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)…
“Lúc đó, tôi cùng một số đồng đội còn ở lại căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) để giữ và kiểm tra đồ đạc, vài ngày sau mới có xe xuống Sài Gòn”, cô Hồng kể. Và rồi cuộc trò chuyện với chúng tôi bất chợt dừng lại khi cô Hồng nghe đến câu hát “Là lời đất nước, tôi chọn phút bình yên…” (lời bài hát Bài ca không quên, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn). Cô Hồng xúc động: “Phải có phút giây bình yên và phải trân trọng những giây phút bình yên vì có bình yên tụi nhỏ lớn lên mới yên tâm đến trường, học hành rồi đi làm, đi chơi như hôm nay. 30-4 năm nào cũng vậy, tôi lại mở đến bài này. Bình yên hôm nay nhưng đó là sự hy sinh của bao thế hệ đã qua...”.
Không chỉ là thanh âm gắn với lớp người đi qua chiến tranh như cô Hồng, khi đường phố bắt đầu rợp màu cờ đỏ mừng ngày lễ lớn của dân tộc, các ca khúc cách mạng lại hào hùng vang lên. Ngày 30-4 năm nay, nhóm những bạn trẻ chơi nhạc phía trước Bưu điện thành phố và Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) đã chọn bài hát Màu hoa đỏ để hòa giọng cùng đàn ghi-ta. Hà Nguyễn Phương Thư (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), thành viên của nhóm chia sẻ: “Ở đây, với đặc thù nhiều du khách nước ngoài tham quan nên ngày thường chúng tôi hát những ca khúc quốc tế nhiều hơn. Nhưng hôm nay chúng tôi chọn bài này vì là ngày 30-4”.
Thế hệ hôm qua, lớp người hôm nay, năm tháng này hay mãi về sau, mỗi giây phút bình yên đều quý giá và xứng đáng được trân trọng. Và đã là lời đất nước, thì dù ở đâu, làm gì, sự thôi thúc cùng với khát vọng cống hiến của lớp người trẻ hôm nay vẫn luôn cháy bỏng…