Chưa có số liệu thống kê về con số người Việt vô gia cư ở Mỹ nhưng tập trung đông nhất là tại khu vực Little Saigon, bang California.
Ông Chương đến Mỹ từ năm 1978, sau khi trải qua nhiều công việc như phục vụ nhà hàng, thợ kim hoàn, kế toán… không tích lũy được tiền và bị sa thải nên ông buộc phải chọn các gầm cầu làm nhà và sống nhờ vào tình thương của bà con người Việt. Ông cho tôi xem nhiều giấy phạt của cảnh sát vì ngủ nơi công cộng, mỗi giấy phạt có số tiền là 100USD.
Theo luật pháp bang California, ngủ nơi công cộng, cho dù là trong bụi cây, cũng bị phạt 100USD/lần nếu gặp cảnh sát. Nếu không đóng tiền phạt thì ngồi tù vài ngày, cao lắm là 1 tuần, sau đó đâu lại vào đấy. Trường hợp của ông Nguyên lại khác. Ông sang Mỹ định cư năm 1990, khi đó 45 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định và phải sống nhờ vào trợ cấp chính phủ cũng như của người thân.
Cách đây 10 năm, ông cảm thấy cuộc sống nương nhờ người thân quá phức tạp nên từ bang New York, ông đón xe đến bang California. Ông nói: “Tôi muốn tự do, không bị gò bó trong một khuôn khổ nào”. Giờ đây gần 75 tuổi, ông cho biết, người thân đôi khi sang đón ông về nhưng được vài ngày ông lại khăn gói trở lại California để tìm tự do. Ngay cả khi cảnh sát đưa ông vào viện dưỡng lão, ông lại trốn ra ngoài.
Cũng có trường hợp từ giàu có, bị phá sản phải sống lang thang. Anh Duy (45 tuổi) là một trong số đó. Từng là chủ một nhà hàng ở bang Washington, sau đó do công việc làm ăn thất bại cùng với nợ vay ngân hàng nên anh bị phá sản và phải bán nhà. Anh lang thang đây đó đã gần 1 năm nay. Mặc dù vậy, anh vẫn đang theo dõi hàng ngày các báo tiếng Việt để tìm việc làm. Anh nói: “Nhiều người từng lang thang như tôi đã có thể thay đổi cuộc sống sau khi tìm việc làm”. Theo anh, có việc làm là có tất cả.
Một số người có lẽ có “máu nghệ sĩ” nên dù không nhà, họ vẫn có một nghề là thành lập ban nhạc đi hát rong kiếm sống qua ngày. Vợ chồng anh Thành, chị Ngọc đã đi hát rong từ hơn 10 năm qua, tối đến tìm nơi ngả lưng. Cuộc sống cứ thế vẫn trôi và trông họ vẫn yêu đời và dường như họ không có ý tìm việc để đổi đời như những người khác.
Không giống như những người vô gia cư khác, người Việt vô gia cư thường trang bị đồ nấu ăn. Bản chất của họ đều lương thiện, chia sẻ khó khăn với nhau. Đại đa số người vô gia cư là người chưa có quốc tịch và do không có việc làm nên không có bảo hiểm và sống nhờ trợ cấp là chính. Điều họ cần nhất là thực phẩm, thẻ xe buýt và với họ 1USD có thể sống qua ngày.
Trên thực tế, người Việt ở Mỹ đa số cũng có nhiều hội đoàn từ thiện giúp người lang thang, vô gia cư có bữa ăn miễn phí, quần áo, chăn, màn… Nhờ có sự giúp đỡ ấy, nhiều người vô gia cư đã thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn, hòa nhập hơn với cuộc sống và dần tìm được chỗ ở ổn định. Những điều đó càng cho thấy nét đẹp của người Việt dù ở bất cứ nơi đâu cũng có tinh thần “lá lành đùm lá rách”.