Đặc biệt, lễ hội năm nay có các cuộc trưng bày triển lãm liên quan đến Tiến sĩ sử học Eusebio Leal Spengler (1942-2020), người có công khôi phục hàng loạt công trình lịch sử quan trọng của đất nước, điển hình là dự án khôi phục trung tâm lịch sử tại La Habana cổ (La Habana Vieja). Những nỗ lực của nhà sử học Spengle trong việc bảo tồn khu phố cổ Habana đã biến khu vực lịch sử này từ một khu ổ chuột bị lãng quên thành “viên ngọc” kiến trúc và địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cuba. Dưới sự giám sát của ông, trung tâm lịch sử của thủ đô đã trở thành Di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Với khẩu hiệu Leales a Leal (Trung thành với Leal), nhiều chương trình đặc sắc kéo dài trong suốt tháng 11, hứa hẹn tôn vinh truyền thống của thành phố di sản này, đồng thời mang hơi thở sáng tạo với nhiều hoạt động văn hóa xã hội mới lạ và một lễ hội âm nhạc trên đại lộ huyết mạch của thủ đô. Chương trình có sự phối hợp của các bảo tàng và trung tâm văn hóa trực thuộc Văn phòng sử gia, phối hợp tổ chức trưng bày các bộ sưu tập và kho báu liên quan đến di sản của nhà sử học trong khi tìm cách khuyến khích trẻ em học hỏi từ các địa điểm biểu tượng ở La Habana cổ.
Bên cạnh các hoạt động truyền thống, một nhóm công trình xã hội như lễ khánh thành các tòa nhà, lễ bàn giao nhà ở cho người dân và một trung tâm chuyên biệt cho cộng đồng người khiếm thính cũng sẽ được khai trương nhân dịp này. Như thường lệ, cuộc dạo chơi truyền thống quanh cây Ceiba tại vườn El Templete, công trình được coi là một trong những biểu tượng và là nơi đặt nền móng của thành phố cổ, sẽ diễn ra vào tối 16-11.
Dịp này cũng sẽ có cuộc gặp quốc tế về Quản lý các thành phố di sản lần thứ 18 sẽ diễn ra tại La Habana từ ngày 15 đến ngày 19-11, tập trung thảo luận các vấn đề như khả năng tiếp cận, di sản công nghiệp và những thách thức đối với việc hình thành các thành phố thông minh. Hiện các hoạt động trùng tu vẫn được tiếp tục, trong khi nhiều công trình mới đang mọc lên ở khắp các quận của thủ đô La Habana.
Với dân số chỉ hơn 2 triệu người, La Habana là đô thị lớn nhất Cuba. Thành phố 503 tuổi này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 1982. Ngoài ra, “trái tim” của đất nước Cuba còn nhận được danh hiệu Thành phố kỳ quan của thế giới do tổ chức New Seven Wonders (Bảy kỳ quan mới) của Thụy Sĩ trao tặng. La Habana cũng đã được UNESCO công nhận là Thành phố âm nhạc sáng tạo.
Được thành lập vào ngày 16-11-1519, La Habana là 1 trong 7 đô thị đầu tiên được người Tây Ban Nha xây dựng tại Cuba. Với vị trí chiến lược của mình, nơi đây đã trở thành một trong những điểm trung chuyển lớn cho tàu bè chở hàng hóa giao thương giữa Nam Mỹ và Tây Ban Nha. Trải qua bao thăng trầm, La Habana, “thành phố của tình yêu và những điều kỳ diệu”, như người ta thường nói, vẫn luôn giữ cho mình sự duyên dáng, vẻ đẹp vĩnh cửu và là nơi lưu giữ ký ức thời gian. |