Năm học mới rơi vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Trong khi đó, việc cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng ở một số thời điểm bị gián đoạn, nhiều trẻ em đã không được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Môi trường học đường có đặc điểm tập trung đông người nên chỉ cần 1 trẻ mắc bệnh có thể lây sang rất nhiều em khác, nhất là với các dịch bệnh dễ lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc, như: sởi, cúm, rubella, thủy đậu... Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là cao điểm của mùa mưa bão, lũ lụt, cũng là các điều kiện thuận lợi phát sinh bọ gậy, lăng quăng, muỗi vằn làm dịch bệnh sốt xuất huyết, đau mắt đỏ lây lan mạnh.
Mới đây, trong công văn gửi các địa phương về hướng dẫn thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, chương trình giáo dục phổ thông năm học 2024-2025, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường học cần đảm bảo các tiêu chí về trường học an toàn, như: có phòng y tế bố trí ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cấp cứu ban đầu theo quy định; có đủ danh mục thuốc, theo dõi tình trạng sức khỏe học đường đối với học sinh và cập nhật thông tin hiện trạng sức khỏe của học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục...
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh trước thềm năm học mới, Bộ Y tế cũng đã nỗ lực đảm bảo việc cung ứng đủ vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine. Đặc biệt, điều trị, cách ly kịp thời không để lây lan dịch trong học đường.