Được điều trị tích cực hơn 1 tháng nay tại Khoa Nội 1 Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) nhưng bệnh nhân N.T.H. (51 tuổi, ở Phú Thọ) vẫn trong tình trạng lở loét, sưng phồng kèm mủ, chảy máu ở ngực.
Người nhà bệnh nhân H. cho biết, vào cuối năm ngoái, sau khi phát hiện một vài u, cục bất thường nổi lên ở vùng ngực, bà H. đã không tới bệnh viện (BV) để khám mà nghe lời mách bảo tìm tới một thầy lang trong vùng để mua cao dán và đắp lá cây.
Một tháng sau đó, bằng cách chữa trị này, khối u không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, rồi lở loét, sưng tấy gây đau đớn. Khi được gia đình đưa đến BV, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân H. đã bị ung thư vú, tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng không còn khả năng phẫu thuật.
Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị bằng hóa chất. Theo các bác sĩ, liệu pháp này chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài tối đa thời gian sống cho người bệnh chứ không còn khả năng chữa khỏi.
Theo bác sĩ Đỗ Huyền Nga, Phó trưởng khoa Nội 1, trong số bệnh nhân tới khoa khám và điều trị có một tỷ lệ không nhỏ trường hợp đã bị tổn thương nặng vùng ngực: khối u lở loét, sưng to; có trường hợp khối u vỡ ra nhiễm trùng và hoại tử.
Nguy hiểm hơn, hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường cho kết quả khối u đã di căn vào phổi, gan, xương... khiến quá trình điều trị thêm khó khăn và không hiệu quả. Không chỉ có bệnh nhân ở các vùng sâu, vùng xa, mà có cả chị em ở thành thị cũng cả tin vào phương pháp chữa ung thư vú bằng đắp lá, dán cao.
Các bác sĩ đã khám và đưa ra phác đồ điều trị, nếu tuân thủ theo tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao, nhưng bà T. vẫn không tin tưởng, rồi nhờ người quen mua thuốc lá của một bà Mế ở Kim Bôi, Hòa Bình về đắp. Bất chấp cảm giác nóng rát, đau tức ngực khi đắp lá, bà T. vẫn tin “thuốc đang phát huy tác dụng”.
Đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ, bà T. mới chịu vào BV tiếp tục điều điều trị. Lúc này, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng nặng tuyến vú, phần hoại tử đã lan rộng sang nách, khối u vú đã xâm lấn di căn vào cơ thể, chuyển sang ung thư giai đoạn 4.
Phải tầm soát bệnh định kỳ
Theo Bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Thống kê trong năm 2018, cả nước ghi nhận khoảng 164.000 ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm hơn 9%. Mặc dù vậy, căn bệnh này dễ phát hiện, chỉ cần tự sờ và cảm nhận được sự thay đổi bất thường ở ngực. Nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu, 100% ca bệnh có tỷ lệ sống trên 5 năm. Tuy nhiên, nếu cả tin vào phương pháp đắp lá, dán cao để chữa khỏi bệnh là không có cơ sở khoa học, dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng.
TS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 Bệnh viện K, cho biết một số loại cao dán, lá cây thuốc có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển; một số loại khác không kích thích nhưng cũng không làm bệnh giảm hoặc làm mất thêm thời gian điều trị.
Sau 5 - 6 tháng đắp lá, hay dán cao, ở hầu hết trường hợp, khối u phát triển to hơn, từ phát hiện bệnh sớm trở thành muộn, từ chưa di căn thành di căn.
Đối với những trường hợp di căn, biến chứng, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ phần da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét cho sạch phần hoại tử, khiến việc điều trị cho lành bệnh càng thêm khó, hầu như đạt kết quả không như mong muốn vì bệnh đã tiến triển rất nặng.
“Người bệnh không nên chữa bệnh theo lời mách bảo, đồn thổi để rồi vừa mất tiền, mất thời gian mà bệnh ngày càng trầm trọng”, TS Đức cảnh báo.
Theo các bác sĩ, phát hiện sớm ung thư vú giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao và kéo giảm chi phí điều trị. Vì vậy, khuyến cáo chị em nên có ý thức trong việc tầm soát ung thư vú, ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú.
Hàng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, nếu thấy bất thường (có hạch ở nách, vú) cần đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Cần lưu ý, đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như: đại trực tràng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ thường xuyên hơn. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50 nên tầm soát ung thư vú trung bình 6 tháng/lần.