Là bạn, đối tác và thị trường của TPHCM

TPHCM không là điểm dừng chân của người đứng đầu Nhà Trắng đến thăm Việt Nam lần này, tuy nhiên từ TPHCM, có 3 vấn đề quan trọng mang tính cốt lõi sẽ dự phần vào việc tham chiếu chính sách mà cả hai nước cùng quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã bước sang một chương mới mang tính lịch sử khi chính thức được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện kể từ ngày 10-9-2023. Từ “bảng tổng kết” 10 năm là Đối tác toàn diện (năm 2013) đến “bản cam kết” là Đối tác chiến lược toàn diện đã xác lập mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới. TPHCM không là điểm dừng chân của người đứng đầu Nhà Trắng đến thăm Việt Nam lần này, tuy nhiên từ TPHCM, có 3 vấn đề quan trọng mang tính cốt lõi sẽ dự phần vào việc tham chiếu chính sách mà cả hai nước cùng quan tâm.

Thứ nhất, Hoa Kỳ muốn chuyển dịch chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp vi mạch bán dẫn sang các nước đối tác chiến lược, các “quốc gia thân thiện” của mình, trong đó có Việt Nam. TPHCM đang là bản doanh của tập đoàn Intel với nhiều dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) từ năm 2006.

Từ đó đến nay, hàng loạt chương trình, sáng kiến về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, chuyển giao công nghệ đã được hình thành, vận hành. Nếu nguồn nhân lực là điểm sáng của Việt Nam với khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch thì 85% trong số ấy thuộc về TPHCM (còn lại là Hà Nội, Đà Nẵng).

Cùng với thiết kế vi mạch, đóng gói vi mạch (IC packaging) cũng là lĩnh vực thế mạnh với sự hiện diện của Intel tại SHTP, cùng tổng vốn đầu tư tích lũy đến nay hơn 4,1 tỷ USD. Với nền tảng ấy, qua chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy sự hiện diện của Hoa Kỳ và đối tác trong lĩnh vực này, vì vậy cần đẩy nhanh đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Intel tại SHTP và tận dụng chìa khóa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, kêu gọi nhà đầu tư trong hệ sinh thái Intel đầu tư vào các phòng lab, trung tâm đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp, trung tâm đào tạo vi mạch. Các tập đoàn trong nước như FPT, Viettel, VNG… là những đầu mối quan trọng để cụ thể hóa hơn về các chương trình chuyển đổi số, các dự án vi mạch với các đối tác Hoa Kỳ và các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ.

Thứ hai, Hoa Kỳ đang là một quốc gia hàng đầu trên thế giới thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế xanh và chuyển đổi xanh, trong khi TPHCM với Nghị quyết 98/2023/QH15, đang định hình các chính sách cụ thể để bắt tay khai thác năng lượng tái tạo áp mái, điện gió ngoài khơi, xe điện sử dụng năng lượng sạch, điện đốt rác cùng nhiều dự án đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp trong công nghệ xanh và thí điểm trao đổi tín chỉ thị trường carbon.

Đây là những cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác, xúc tiến và làm việc với các đối tác Hoa Kỳ (và các nước đối tác chiến lược của Hoa Kỳ) trong việc huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đào tạo - huấn luyện, chuyển giao công nghệ; cũng như hình thành các mô hình thí điểm, đặc biệt tại Cần Giờ, nơi đang định hình là thử nghiệm kinh tế xanh - chuyển đổi xanh ưu tiên và quan trọng nhất của TPHCM. Việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược của Hoa Kỳ vào các lĩnh vực xanh mà Nghị quyết 98/2023/QH15 đã tạo nền tảng pháp lý như: điện gió ngoài khơi, xe điện và hạ tầng xe điện, điện đốt rác, trung tâm y sinh quốc tế, cũng sẽ là một mục tiêu quan trọng.

Thứ ba, khi TPHCM đang phối hợp với Bộ KH-ĐT hoàn thiện đề án và dự thảo nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế (dự kiến trình Quốc hội vào năm 2024), rất cần những tìm hiểu cặn kẽ, học hỏi và tham vấn tường tận từ Hoa Kỳ - một cường quốc về tiền tệ, tài chính quốc tế, cả kinh nghiệm xây dựng thể chế, chính sách, luật “chơi” của thị trường lẫn những tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng mang tính toàn cầu…

Cụ thể và thiết thực hơn rất nhiều là nhiệm vụ phải tìm cách huy động các nguồn tài chính khác nhau cho chiến lược xây dựng hạ tầng giao thông thành phố - vùng Đông Nam bộ (giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn 266.000 tỷ đồng), trong đó ngoài con số ngân sách thành phố (92.000 tỷ đồng) thì cần thêm 174.000 tỷ đồng (gấp 1,9 lần vốn ngân sách thành phố).

Vì thế, cần huy động vốn từ thị trường tài chính, gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp và cả trái phiếu công trình để đảm bảo tiến độ và về đích của các công trình trọng tâm như các tuyến metro, cao tốc, xe lửa TPHCM - Cần Thơ, Vành đai 4… Các hợp tác này cũng là một “thực tập” thiết thực nhất cho các trụ cột cụ thể của thị trường tài chính quốc tế tại thành phố!

Tin cùng chuyên mục