Trước đó, lễ kỷ niệm Ngày Độc lập thứ 100 của Afghanistan hôm 18-8 bị lu mờ do cuộc tấn công kinh hoàng vào một đám cưới làm ít nhất 63 người chết, gần 200 người bị thương. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ này.
Theo Tạp chí Time của Mỹ, nhiều người Afghanistan phẫn nộ đặt câu hỏi liệu một thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban để chấm dứt gần 18 năm giao tranh sẽ mang lại hòa bình cho những thường dân đau khổ hay không. Trong khi sự hiện diện của người Mỹ tại đất nước này gần 20 năm qua vẫn chưa mang lại an ninh cho Afghanistan thì nay lại có thêm sự hiện diện của IS, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, đứng trước 2 kẻ thù “khó nuốt” này, Mỹ không còn cách nào đành bắt tay với Taliban để tiêu diệt IS. Đặc phái viên Mỹ trong các cuộc đàm phán với Taliban, ông Zalmay Khalilzad, công khai cho biết tiến trình hòa bình Mỹ - Taliban nên được đẩy nhanh để giúp Afghanistan đánh bại IS. Nhưng trong các cuộc đàm phán kéo dài gần một năm qua với Mỹ, Taliban luôn đưa ra yêu cầu Mỹ và đồng minh rút toàn bộ 20.000 quân khỏi Afghanistan. Điều này càng đặt ra nguy cơ bất an khi mà lực lượng an ninh Afghanistan chưa thể tự đảm bảo an ninh cho đất nước họ.
Hơn thế nữa, một thỏa thuận giữa Taliban và Mỹ về việc rút quân có thể đẩy nhiều phiến quân từ Taliban gia nhập hàng ngũ IS. Nếu Washington và Taliban đạt được thỏa thuận, Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Đổi lại, Taliban phải cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành bàn đạp phát động các vụ tấn công khủng bố quốc tế. Bên cạnh đó, Taliban dự kiến phải cam kết đối thoại chia sẻ quyền lực với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn tại Afghanistan và xem xét về một lệnh ngừng bắn. Theo Reuters, ông Sohrab Qaderi thuộc hội đồng tỉnh Nangarhar vùng biên giới với Pakistan, đánh giá: “Đó là cơ hội lớn cho IS tuyển phiến quân từ Taliban”. Người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Sediq Sediqqi quan ngại về sự lớn mạnh trở lại của IS và sự thu hút từ chúng đối với một số thành viên của Taliban. Theo ông Sediqqi, hầu hết thành viên IS là cựu phiến quân của Taliban và có khả năng một số tên Taliban khác sẽ gia nhập. Một phiến quân Taliban ở tỉnh Kunar khẳng định không có lựa chọn nào ngoài việc gia nhập IS. Phiến quân giấu tên này nói: “Để tồn tại, tôi phải gia nhập IS. Mục tiêu của chúng tôi là chiến đấu chống lại những kẻ phản đạo Hồi và tham nhũng”.
Về phần Chính phủ Afghanistan, họ không giấu sự thất vọng khi bị loại khỏi cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban, cho rằng Washington xem họ như con rối. Tổng thống Ashraf Ghani còn tố cáo Taliban là “nền tảng của khủng bố” với những cuộc tấn công tàn bạo của Taliban vào các trường học, nhà thờ Hồi giáo và các địa điểm công cộng khác trong những năm qua. Theo Liên hiệp quốc, trong 10 năm qua, đã có hơn 32.000 thường dân ở Afghanistan bị giết; trong đó năm 2017, trẻ em bị giết nhiều nhất, lên đến 927 em.
Vanda Felbab-Brown, nhà phân tích tại Viện Brookings, cho rằng một thỏa thuận Mỹ-Taliban không thể chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan và trên thực tế, cuộc chiến có thể trở nên dữ dội hơn. Theo nhiều nhà phân tích, Mỹ từng sử dụng Taliban để chống lại quân đội Liên Xô những năm 1980 và giờ đây, lá bài Taliban lại được sử dụng. Hậu quả như thế nào chỉ có người dân Aghanistan thấm thía nhất.