Khẩn trương xuống giống
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, tính đến đầu tháng 9, nông dân các huyện thu hoạch khoảng 227.000ha lúa hè thu đạt 98% kế hoạch, năng suất bình quân 5,7 - 5,9 tấn/ha. Điều phấn khởi là lúa vừa thu hoạch xong thì thương lái đến thu mua giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800 - 6.100 đồng/kg, lúa thơm Đài từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000 - 7.500 đồng/kg…
Với giá này, nông dân đạt lợi nhuận từ 20 - 25 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Được giá và dễ tiêu thụ, nên sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân An Giang nhanh chóng làm đất để sản xuất vụ thu đông.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho hay: “Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất hơn 161.500ha lúa thu đông và đến nay xuống giống được 106.000ha, số diện tích còn lại đang tiếp tục gieo sạ”.
Tại Kiên Giang, toàn tỉnh sản xuất hơn 283.000ha lúa hè thu và nông dân thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Do năm 2020 lũ ở ĐBSCL về muộn và dự báo không cao, vì vậy ngành chức năng tỉnh Kiên Giang quyết định mở rộng diện tích lúa thu đông lên gần 83.000ha, tăng hơn 14% so kế hoạch.
Ông Lâm Quốc Hùng, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng bộc bạch: “Gia đình tôi thu hoạch gần 2ha lúa hè thu, lợi nhuận tốt hơn các vụ trước. Với tình hình giá lúa đang hấp dẫn, tôi và nhiều hộ khác mạnh dạn sản xuất lúa thu đông”.
Ông Nguyễn Văn Tuyển, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò nhận định: “Vùng này có đê bao bảo vệ nên việc sản xuất lúa thu đông vào mùa lũ rất an toàn. Chưa kể, năm 2020, lũ không cao nên không bị ảnh hưởng, cộng với lúa được giá thì việc gia tăng diện tích là hợp lý”.
Giảm hè thu, tăng lúa thu đông
Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, phương án sản xuất 800.000ha lúa thu đông năm 2020, tăng 75.800ha so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn là hợp lý với thực tế hiện nay. Phương án này vừa đảm bảo được lợi nhuận tốt do lúa thương phẩm bán được giá cao, đồng thời bù đắp một phần sản lượng lúa bị thiếu hụt trong vụ đông xuân trước do ảnh hưởng hạn mặn.
Các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 20%-30%, giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50%-60%, hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình chỉ khoảng 10%-20%... Những ngày qua, nông dân ĐBSCL đã xuống giống khoảng 600.000ha và sẽ dứt điểm gieo sạ vào giữa tháng 9.
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng, hiện tại nếu điều kiện tốt nhất thì toàn vùng ĐBSCL chỉ mở rộng diện tích lúa thu đông khoảng 900.000ha. Nguyên nhân do nhiều địa phương đã chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng khác; trong khi một số tỉnh như Kiên Giang, Long An… có thể tăng diện tích lúa thu đông nhưng hệ thống đê bao chống lũ chưa đảm bảo. Giải pháp tới đây là điều chỉnh giảm quy mô diện tích vụ lúa hè thu, tăng quy mô lúa thu đông một cách hợp lý.
Thời gian qua việc sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn bộc lộ một số hạn chế. Điển hình như mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng Tháp luôn đi trước một số nơi ở bán đảo Cà Mau gần 1 vụ.
Có nơi như ở bán đảo Cà Mau chưa xuống giống xong vụ hè thu thì lúa vụ thu đông ở Đồng Tháp đã chuẩn bị thu hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ở Đồng Tháp thuận lợi hơn, không bị ảnh hưởng mặn. Vấn đề này cũng khó khăn cho ngành nông nghiệp trong chỉ đạo sản xuất, bởi cùng thời gian nhưng 2 nơi sản xuất 2 vụ lúa khác nhau.
Do đó, tới đây cần có sự trao đổi, thống nhất về mùa vụ ở ĐBSCL trong điều kiện sản xuất theo nguồn nước. Tiến hành điều chỉnh giảm nhiều diện tích lúa vụ hè thu chuyển sang cho vụ lúa thu đông, từ đó giảm mạnh quy mô vụ hè thu để tăng quy mô sản xuất vụ lúa thu đông.
Bộ NN-PTNT cho rằng, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa đang có lợi cho nông dân, bởi khả năng xuất khẩu tốt. Thống kê cho thấy, toàn vùng ĐBSCL có 4.130 ô bao kiểm soát lũ với diện tích 1 triệu ha; trong đó, kiểm soát lũ an toàn là 3.656 ô bao, diện tích 903.000ha. Việc sản xuất lúa thu đông tập trung chủ yếu trong vùng đê bao kiểm soát lũ nên sẽ an toàn. |