Thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng
Trở lại Phú Quốc vào những ngày này, chúng tôi thấy bảng tên trụ sở nhiều cơ quan được thay mới hoặc điều chỉnh từ “huyện” thay bằng “thành phố”; còn thị trấn Dương Đông và An Thới cũng được thay bằng phường Dương Đông và An Thới… Diện mạo TP Phú Quốc nay đã thay đổi nhiều so với trước.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đưa vào khai thác như: cáp treo An Thới - Hòn Thơm, các dự án của Tập đoàn VinGroup, cùng những dự án mới ở Nam đảo (khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, khu nghỉ dưỡng Premier Village Phu Quoc Resort, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park…) đã tạo tiếng vang lớn trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.
Cách đây 10 năm, khi chúng tôi đến Phú Quốc, chạy xe dọc theo Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem… thấy còn vắng vẻ, đường đầy bụi; các dự án du lịch, nghỉ dưỡng chưa nhiều. Kể từ khi sân bay quốc tế Phú Quốc đưa vào sử dụng và có dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, đã tạo động lực cho Phú Quốc cất cánh.
Phú Quốc hiện có hơn 320 dự án đầu tư, với diện tích 10.930ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 340.366 tỷ đồng. Trong đó, có 47 dự án đã đưa vào khai thác với diện tích 1.200ha, tổng vốn khoảng 13.584 tỷ đồng; 75 dự án đang triển khai xây dựng và các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Ở Phú Quốc có trên 700 cơ sở lưu trú với hơn 20.000 phòng. Thu ngân sách năm 2020 khoảng 5.398 tỷ đồng. Hiện tại, sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa với các loại hình du lịch biển, sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí...
Qua đó, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, nhất là khách quốc tế. Năm 2018, Phú Quốc đón 2,55 triệu lượt khách; năm 2019 đón 2,85 triệu lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên khách du lịch giảm; tổng lượt khách ước 1,39 triệu lượt, đạt 46,3% so với kế hoạch…
Là người sinh ra, lớn lên trên đảo, bà Nguyễn Thị Khanh (phường Dương Đông) chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều người dân trên đảo phấn khởi khi huyện lên thành phố. Dù rất mừng nhưng cũng lo, bởi thời gian qua, Phú Quốc phát triển ồ ạt, kéo theo những hệ lụy về sốt đất, tội phạm tăng, ô nhiễm môi trường… Do đó, để đảo ngọc Phú Quốc yên bình, đáng sống thì phải khắc phục những vấn đề trên”.
Sẽ có nhiều chính sách ưu đãi
Đại diện lãnh đạo Thành ủy Phú Quốc cho biết, giai đoạn 2020-2025, địa phương phấn đấu giá trị sản xuất bình quân mỗi năm tăng 8,84%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 10,76%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 11,7%/năm. Khách du lịch đến Phú Quốc đạt 10 triệu lượt, tăng bình quân 27,23%/năm, trong đó khách nước ngoài đạt 4 triệu lượt...
Để đạt được các mục tiêu trên, Thành ủy Phú Quốc chọn các khâu đột phá: Xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ có năng lực, có tâm, có tầm; ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc.
Thành phố cũng sẽ đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, điều hành quản lý hiệu quả hệ thống giao thông trên địa bàn; kết nối đồng bộ các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, chỉnh trang đô thị, ổn định sinh kế của người dân. Từng bước hướng đến xây dựng TP Phú Quốc văn minh, hiện đại, hài hòa và thân thiện.
Trong năm 2021, TP Phú Quốc phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2020; đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, công nghệ cao, sạch, dịch vụ biển; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với trọng tâm là đẩy mạnh nuôi trồng thủy, hải sản gắn với phát triển du lịch. Tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu và thực chất.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho biết: “Thời gian tới, Phú Quốc đối diện với nhiều thách thức. Do đó, trước mắt phải làm sao thực hiện đảm bảo đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định du lịch là mũi nhọn phát triển lâu dài. Đặc thù trên đảo Phú Quốc có diện tích rừng rất lớn, hơn 2/3 diện tích là rừng với tổng diện tích 37.268ha. Phú Quốc có mảng xanh lớn, là lá phổi cho toàn đảo, nên cần gìn giữ và phát triển. Đồng thời, xác định biển, hành lang biển, để tất cả khách du lịch, người dân được hưởng thụ từ các bãi biển đẹp. Cần hạn chế thấp nhất bê tông hóa, mà thay vào đó là những dự án thân thiện với môi trường”.
Theo Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, các nhà đầu tư khi đến Phú Quốc được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi tốt nhất của Chính phủ cho phép. Phú Quốc lên thành phố, chắc chắn sẽ có nhiều chính sách mới áp dụng.
“Chúng tôi chào đón những nhà đầu tư đến với Phú Quốc bằng tâm huyết, cùng xây dựng hòn đảo này ngày càng xinh đẹp hơn, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cũng như tên gọi của nó. Các ngành chức năng luôn chung tay, chung lòng cùng các nhà đầu tư để xây dựng hòn đảo lớn nhất Việt Nam phát triển xanh, sạch, đẹp và an toàn; xứng đáng là thành phố biển đảo, thành phố du lịch hấp dẫn vươn tầm thế giới…”, ông Huỳnh Quang Hưng kỳ vọng.
Là hòn đảo lớn nhất Việt Nam có diện tích hơn 589km2, dân số hơn 179.000 người, năm 2006, Phú Quốc được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nằm trong hành lang vận tải biển hàng hóa quốc tế từ Đông sang Tây và cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, nên Phú Quốc có nhiều lợi thế để phát triển. Sau khi thành lập, TP Phú Quốc chỉ còn 9 đơn vị hành chính cấp xã (thay vì 10 đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay), gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 7 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu). Khu bến tại khu vực thị trấn An Thới là khu bến cửa ngõ chính của đảo Phú Quốc, phục vụ tập kết hàng hóa và kết hợp phục vụ hành khách; ngoài ra, cảng An Thới còn là đầu mối giao thông từ đảo lớn Phú Quốc đi các đảo thuộc xã Hòn Thơm và quần đảo An Thới. Khu bến tại Vịnh Đầm, với chức năng cảng đầu mối tiếp nhận hàng hóa và hành khách lưu thông giữa đất liền với đảo, kết hợp là nơi trú tránh bão cho tàu thuyền. Khu bến tại Mũi Đất Đỏ là quy mô cảng biển quốc tế tổng hợp và dịch vụ hậu cần dầu khí Phú Quốc. Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc (tại thị trấn Dương Đông), quy mô đến năm 2030 dự kiến 500.000 khách, cỡ tàu cập bến 225.000GT và 30.000DWT. Quy hoạch Khu bến Bãi Vòng sẽ mở rộng diện tích khu hậu cần cảng, xây dựng mới thêm cầu cảng tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu cao tốc, phà biển, du thuyền và thủy phi cơ cập bến; năng lực đến năm 2030 dự kiến 500.000 khách; cầu cảng hàng hóa tiếp nhận tàu từ 1.000 - 5.000 DWT. Quy hoạch Khu bến Đá Chồng tiếp nhận các loại tàu hàng, tàu cao tốc, phà biển; năng lực đến năm 2030 dự kiến 350.000 khách; cầu cảng hàng hóa tiếp nhận tàu từ 1.000 DWT - 2.000 DWT. |
Đường hàng không và tàu cao tốc ra Phú Quốc Hiện nay, về đường biển ra vào đảo Phú Quốc có tàu cao tốc xuất phát từ TP Rạch Giá và TP Hà Tiên nối với Phú Quốc (và ngược lại), gồm: 44 - 46 chuyến đi và về mỗi ngày, bình quân 150 - 300 khách/tàu, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và du khách ra đảo. Nhiều hãng tàu, phà cao tốc đi Phú Quốc như: Phú Quốc Express, Superdong, Ngọc Thành, Hòa Bình Phú Quốc, phà Thạnh Thới, phà Bình An… Nếu khởi hành từ TP Hà Tiên thì thời gian đi Phú Quốc chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút/chuyến cao tốc. Còn khởi hành tàu cao tốc ở bến tàu TP Rạch Giá thì mất 2 giờ 30 phút là cập bến tại đảo Phú Quốc. Đối với đường hàng không, sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 34 - 38 chuyến/ngày nối Phú Quốc đi TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng; đi Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Siem Riep (Campuchia), Nga, Ý, Thụy Điển, Anh... Cảng hàng không Phú Quốc được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh 45m x 3.000m, đường lăn song song 23m x 3.000m; có hệ thống đường lăn tắt đáp ứng yêu cầu khai thác, đài kiểm soát không lưu, sân đậu máy bay 6 - 8 vị trí đậu cho máy bay A320 - A321 vào giờ cao điểm, với diện tích 60.000m2; nhà ga hành khách và đường vào nhà ga có diện tích 24.000m2, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm; có trang thiết bị điều hành chỉ huy bay và các hạng mục kỹ thuật khác… TẤN THÁI |