Hơn 20 năm trước, mùa này, nước lũ từ Campuchia tràn về rất lớn. Nông dân làm lúa hè thu ở vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp “thất thủ” phải lặn hụp cắt lúa khi lũ chụp đồng. Cũng từ đó, Chính phủ đã đầu tư mạnh cho hàng loạt công trình đê bao khép kín (để bảo vệ diện tích lúa hè thu), kênh dẫn nước thoát lũ ra biển Tây.
Thế nhưng, sau 20 năm, nguồn nước trên sông Mê Công đã thay đổi mạnh khi hàng loạt đập thủy điện được xây dựng. Việc tích nước ở các đập thủy điện đã khiến hạ lưu sông Mê Công, cụ thể là châu thổ miền Tây gần như không còn lũ. Cứ mỗi lần lũ nhỏ là năm sau miền Tây lại bị khô hạn, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng nề. Người miền Tây từng bước có mô hình sản xuất thích nghi với cả hai con nước “lũ ngọt” và “lũ mặn”, xem nguồn nước ngọt từ dòng Mê Công và nước mặn từ biển lấn vào nội đồng đều là nguồn tài nguyên.
Dù hiện nay mùa nước nổi đã về sớm ở vùng đầu nguồn, nhưng cũng chưa dự báo được diễn biến nước sông Mê Công đổ về ra sao. Dự báo từ tháng 9 và tháng 10 trở đi, hiện tượng ENSO (bao gồm hiện tượng El Nino và La Nina) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60%-70%. Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đang từng bước phát huy hiệu quả kiểm soát nước mặn xâm nhập.
Vấn đề còn lại là sử dụng nguồn nước ngọt trong mùa nước nổi một cách khôn ngoan. Trước đây, nhiệm vụ của đê bao là bảo vệ lúa hè thu khỏi bị lũ chụp đồng. Thế nhưng hiện nay, các vùng đê bao khép kín kiên cố gần như không xả lũ (làm tiếp lúa vụ 3), làm mất đi không gian trữ nước trong mùa mưa. Đây cũng là nguyên nhân đẩy miền Tây đối diện với những mùa hạn, mặn khốc liệt sau đó.
Tài nguyên nước ở ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nguy cơ ngày càng suy giảm do một số nguyên nhân, như tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và việc khai thác tại khu vực thượng nguồn sông Mê Công. ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy sự hợp tác liên vùng trong việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước để phát triển kinh tế.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia vùng thượng lưu sông Mê Công trong các hoạt động quan trắc, giám sát, chia sẻ thông tin về số lượng, chất lượng nước, những ảnh hưởng do tác động tiêu cực tới nguồn nước xuyên biên giới gây ra theo cơ chế hợp tác trong Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công…
Có như thế, nông dân miền Tây mới yên tâm, chủ động sản xuất lúa, nuôi tôm, trồng cây ăn trái; chứ không thì cứ “phập phồng” vừa ngóng con nước mùa nước nổi đầu nguồn vừa nặng trĩu nỗi lo mùa khô.