Kỳ vọng từ Đường sách TP Thủ Đức

Chỉ tính riêng 3 ngày đầu ra mắt (từ ngày 22 đến 24-12), Đường sách TP Thủ Đức đã đón 15.000 lượt khách với doanh thu hơn 641 triệu đồng. Còn sớm để nói về tương lai của Đường sách TP Thủ Đức nhưng dẫu vậy, con số này vẫn khiến những người liên quan không thể không kỳ vọng.

Đường sách TP Thủ Đức thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi từ các ngôi trường lân cận. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đường sách TP Thủ Đức thu hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi từ các ngôi trường lân cận. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phù hợp nhu cầu

Đường sách TP Thủ Đức tọa lạc tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú với chiều dài 190,6m, tổng diện tích 3.508m2. Nơi đây có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường THPT, THCS và tiểu học. Đường sách TP Thủ Đức ra đời được kỳ vọng góp thêm một điểm nhấn văn hóa trong nếp sinh hoạt của người dân thành phố, một điểm du lịch thú vị cho du khách khi ghé thăm TP Thủ Đức.

Bạn Huyền My, sinh viên năm thứ nhất Khoa Xuất bản, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, chia sẻ: “Bản thân tôi rất vui khi Đường sách TP Thủ Đức ra mắt. Vì sống và học tập ở TP Thủ Đức nên tôi qua đây tiện hơn rất nhiều so với Đường sách TPHCM. Ở Đường sách tập trung nhiều đơn vị xuất bản, rất thuận tiện cho việc tìm kiếm, mua sách”.

Sau giờ làm, dù nhà cách đường Hồ Thị Tư gần 4km nhưng chị Hoàng Thị Thúy Hà (ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức) vẫn chở hai con đến Đường sách TP Thủ Đức. “Trước đây, khi đi học về, các cháu chỉ quanh quẩn trong nhà. Có đường sách như thế này rất tiện, sau giờ học các cháu có thể ra đây vừa thư giãn vừa đọc sách. Không gian ở đây rộng rãi trong lành, không khí mát mẻ, các cháu có thể chơi trò chơi rồi quay sang đọc sách. Có một không gian như vậy các bé thích lắm. Mình người lớn còn thích huống hồ là trẻ con”, chị Thúy Hà kể.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM, cho biết, lý do đơn vị này đầu tư mạnh tại Đường sách TP Thủ Đức: “NXB Tổng hợp TPHCM nhắm đến một đường hướng lâu dài. Tôi cho rằng, với tầm nhìn 5-7 năm nữa, với sự đầu tư đầy tâm huyết của các anh chị trong ngành, cộng thêm sự ủng hộ của chính quyền TP Thủ Đức, đây sẽ là nền tảng thuận lợi cho tương lai của đường sách. Đương nhiên, không thể nào những ngày đầu mà có doanh thu tốt được, mà phải có sự đồng hành, tổ chức bài bản và thêm thời gian”, bà Ánh Tuyết cho biết.

Lợi thế từ chính quyền

Sau khi Đường sách Vũng Tàu tạm dừng, hiện cả nước còn 5 đường sách hoạt động, gồm: Đường sách TPHCM, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phố sách Hà Nội, Đường sách TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Đường sách TP Thủ Đức (TPHCM). Trong đó, Đường sách TP Thủ Đức được xem là “anh em” với Đường sách TPHCM do cùng được điều hành bởi Công ty Đường sách TPHCM. Làm thế nào để Đường sách TP Thủ Đức hoạt động hiệu quả như “người anh” trước đó, là vấn đề mà không ít người quan tâm hiện nay.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết cho rằng, vì Đường sách TP Thủ Đức không có vị trí thuận lợi, vậy nên, sự quan tâm của chính quyền sẽ là yếu tố quan trọng cho việc duy trì và phát triển đường sách. “Tôi hy vọng, lãnh đạo TP Thủ Đức vẫn giữ được tâm huyết, dự định cho đường sách như hiện tại. Theo đó, cần tổ chức nhiều hoạt động để thu hút các tầng lớp nhân dân TP Thủ Đức đến với đường sách. Phải kéo người đến trước đã rồi họ mua sách sau, khi đó đường sách sẽ phát triển được”, bà Ánh Tuyết bày tỏ.

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, bày tỏ sự lạc quan khi nói về Đường sách TP Thủ Đức. Theo ông, kinh nghiệm tại Đường sách TPHCM cho thấy, bên cạnh những hoạt động của các cơ quan chức năng theo các chủ đề, chủ điểm, tự thân cán bộ nhân viên của đường sách cũng phải chủ động sáng tạo, phối hợp với các đối tác để tổ chức thêm nhiều hoạt động.

“Thành ủy, UBND TP Thủ Đức đã chủ động trong việc mời gọi và tạo điều kiện để các đơn vị, tổ chức, đoàn thể, trong đó có các đơn vị giáo dục mang hoạt động đến Đường sách TP Thủ Đức. Điều này không còn là lý thuyết mà đã hình thành một cơ chế để các đơn vị, các tổ chức phối hợp với Đường sách TP Thủ Đức cùng tổ chức các hoạt động liên quan”, ông Lê Hoàng cho biết.

Thực tế hoạt động ở các mô hình đường sách cho thấy, sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền địa phương góp phần rất quan trọng làm nên sự thành công của bất kỳ đường sách nào. Vậy nên, sự quan tâm, vào cuộc từ lãnh đạo, chính quyền TP Thủ Đức càng góp thêm sự kỳ vọng về Đường sách TP Thủ Đức.

So với Đường sách TPHCM, tại Đường sách TP Thủ Đức vắng mặt một số đơn vị xuất bản lớn như Saigon Books, Alpha Books, Đông A, First News, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ Việt Nam... Theo ông Lê Hoàng, Đường sách TP Thủ Đức có lợi thế là các gian hàng đều có gác và diện tích lớn hơn ở Đường sách TPHCM. Chính vì vậy, các gian hàng tại Đường sách TP Thủ Đức như NXB Tổng hợp TPHCM, Nhà sách Phương Nam, Tủ sách Nhân Ái… có thể dễ dàng tổ chức những khu sách dành riêng cho các thương hiệu sách nổi tiếng trên, do vậy khách hàng sẽ không cảm nhận sự thiếu vắng gian sách riêng của các thương hiệu lớn.

Tin cùng chuyên mục