Dự án được kỳ vọng tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đi - đến TPHCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thuận lợi kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được xây dựng sẽ góp phần giảm tải đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) hiện hữu |
Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe
UBND tỉnh Bình Phước đã có Tờ trình số 76/TTr-UBND gửi Chính phủ, Bộ KH-ĐT về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP (Dự án PPP cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành).
Đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước với TPHCM, cũng như đi đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn thành từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay với tốc độ tăng nhanh về lưu lượng phương tiện, dẫn đến quá tải vào giờ cao điểm. Dự báo trong những năm tới, tuyến đường này sẽ không đáp ứng được nhu cầu giao thông.
Do vậy, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn từ Gia Nghĩa - Chơn Thành là một phân đoạn của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Việc đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo và giảm tải cho đường Hồ Chí Minh; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Chiều dài tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là 128,8km, trong đó đoạn qua tỉnh Đắk Nông là 27,8km, đoạn qua tỉnh Bình Phước là 101km và 2km tuyến kết nối từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 24,75m; riêng đoạn qua TP Đồng Xoài (Bình Phước) có chiều rộng mặt đường 25,5m; tốc độ thiết kế 100km/giờ.
Để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ KH-ĐT khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 331/TB-VPCP ngày 17-8-2023 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, lưu ý khẩn trương tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đăng ký nội dung trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (dự kiến diễn ra từ ngày 23-10 đến 30-11)
Hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng
Để thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc giai đoạn hoàn thiện (6 làn xe cơ giới + 2 làn dừng khẩn cấp). Khoảng 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, diện tích rừng sản xuất cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 46ha (thuộc tỉnh Bình Phước); diện tích đất lúa cần chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 1,58ha (thuộc tỉnh Đắk Nông). Sơ bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 4.640 tỷ đồng (trong đó tỉnh Đắk Nông khoảng 635 tỷ đồng, tỉnh Bình Phước khoảng 4.005 tỷ đồng). Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025, tổng mức đầu tư là 25.540 tỷ đồng.
Trong đó, phần vốn nhà nước tối đa 12.770 tỷ đồng (Bình Phước 3.000 tỷ đồng, Đắk Nông 1.000 tỷ đồng, đề xuất Trung ương hỗ trợ 8.770 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ tối đa 50%; doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (bao gồm cả phần hoàn trả chi phí chuẩn bị dự án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 73 Luật PPP) tối thiểu 12.770 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tối thiểu 50%.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND tỉnh đã phối hợp địa phương nghiên cứu kỹ các phương án hướng tuyến, so sánh để lựa chọn phương án phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng các khu tập trung đông dân cư, khu di tích, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và kết nối thuận lợi với các khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch, trung tâm logistics… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển không gian đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có dự án đi qua.