Kỳ vọng từ cuộc gặp gỡ...

Nhiều năm qua, ngành giáo dục với hơn 1 triệu nhà giáo đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tạo nên những chuyển biến về chất lượng giáo dục trong thực tế. Tuy nhiên, nền giáo dục nước ta vẫn còn nhiều bất cập, xã hội còn nhiều bức xúc, các thầy cô giáo còn nhiều tâm tư.

Trong bối cảnh đó, hôm nay 15-8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức sự kiện Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục. Sự kiện được tổ chức trực tuyến để các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục cả nước có thể tham dự. Đây là sự kiện không thường xuyên diễn ra, khi người đứng đầu ngành giáo dục trực tiếp lắng nghe ý kiến của đội ngũ giáo viên trong cả nước. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thầy cô giáo với hơn 6.000 câu hỏi được gửi tới tư lệnh ngành giáo dục và mong muốn được giải đáp.

Trên thực tế, hiện nay còn quá nhiều vấn đề mà ngành giáo dục đang phải đối diện. Trong số các ý kiến gửi tới Bộ trưởng trong những ngày qua, với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…). Còn đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề như tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới… Có thể nói, đây là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Đây cũng là dịp để Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện chính sách; động viên, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên công tác trong ngành. Thông tin thu thập từ sự kiện là cơ sở quan trọng để Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cho biết, đây không phải là cuộc đối thoại hay trả lời câu hỏi kiến nghị, càng không phải vì những vấn đề đặt ra như “làn sóng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc”… mà là sự kiện gặp gỡ thân tình, chia sẻ, động viên nhà giáo của Bộ trưởng. Nhưng rõ ràng, xã hội đều kỳ vọng rằng những ý kiến chính đáng của giáo viên cả nước sẽ được tư lệnh ngành giáo dục lắng nghe, thấu hiểu để có thể biến thành những nội dung tham mưu chính sách thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên nói riêng, cho các vấn đề của ngành giáo dục nói chung. Bởi, như chính Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định, quan trọng nhất là làm sao đủ giáo viên, đủ thu nhập để giáo viên thực sự sống được bằng nghề; thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò. Và cũng bởi, nhân tố quyết định thành công đổi mới giáo dục là yếu tố con người, là thầy cô giáo. Giới hạn của số lượng và chất lượng nhà giáo, của năng lực và trình độ nhà giáo là giới hạn của đổi mới và chất lượng giáo dục…

Tin cùng chuyên mục