Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư và các địa phương đẩy nhanh rà soát nguồn gốc đất, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Riêng công tác chỉ định thầu xây dựng DA, chủ đầu tư cần thực hiện công khai, minh bạch, mời các doanh nghiệp có năng lực cùng tham gia để chọn được đơn vị có năng lực tốt nhất.
Giảm tải cho cao tốc TPHCM - Long Thành và QL 51
Đầu năm 2015, giai đoạn 1 của DA cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức được đưa vào vận hành đã giúp quãng đường từ TPHCM đi Vũng Tàu rút ngắn chỉ còn 95km khiến người dân vui mừng bởi thời gian di chuyển giữa 2 địa phương đã giảm hơn 1 giờ so với trước. Thế nhưng do lưu lượng xe tăng cao trên đoạn TPHCM - Long Thành đã khiến QL 51, tuyến đường bộ huyết mạch nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh, thành Đông Nam bộ bị quá tải dẫn đến tình trạng kẹt xe diễn ra như cơm bữa.
Không chỉ gây lãng phí thời gian đi lại, tình trạng kẹt xe trầm trọng trên tuyến QL 51 cũng phần nào làm giảm đi sức hấp dẫn của thủ phủ du lịch biển vùng Đông Nam bộ.
Chị Hoàng Thị Loan (quận 1, TPHCM), chia sẻ, với quãng đường ngắn, những ngày cuối tuần đi Vũng Tàu nghỉ ngơi, tắm biển là lý tưởng nhưng khi nghĩ đến cảnh kẹt xe trên quốc lộ, nhất là vào dịp hè, ngày lễ khiến chị rất ngại du lịch về phố biển. Ùn tắc giao thông cũng khiến công suất, sức cạnh tranh của hệ thống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải bị giảm đáng kể, chỉ hơn 15% hàng hóa thông quan và đi về các nơi bằng đường bộ.
Bộ GTVT thừa nhận việc triển khai các DA giao thông đường bộ liên vùng thời gian qua rất chậm, mới đưa vào khai thác 95km/911km cao tốc theo quy hoạch; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lẽ ra đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2018. Do đó đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại cửa ngõ ra vào thành phố và các tuyến kết nối đến cảng biển. Trước thực trạng cấp bách, DA cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6-2022. Ngay sau đó, Bộ GTVT, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khẩn trương bắt tay vào công việc để theo kịp tiến độ mà Chính phủ đề ra.
Theo các chuyên gia, khi DA hoàn thành sẽ giải quyết bài toán kẹt xe và tạo ra đòn bẩy cho việc phát triển hành lang kinh tế phía Đông của vùng, trong đó, lấy sân bay quốc tế Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là trục trung tâm. Ngoài đẩy nhanh tiến độ DA, các địa phương cũng cần triển khai đầu tư các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4...
Ráo riết triển khai
Theo quyết định đã được phê duyệt, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 53,7km, trong đó, DA thành phần qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5km. Với ý nghĩa to lớn, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII xác định việc triển khai xây dựng DA là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đến nay, tỉnh đã thông qua các Nghị quyết bố trí 1.250 tỷ đồng chi phí bồi thường GPMB cho DA.
Theo thống kê, tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện DA là hơn 138ha của 1.242 hộ, tổ chức; đến tháng 1-2023 các địa phương đã thực hiện công tác kiểm kê thực địa trên toàn tuyến với diện tích hơn 120ha, đạt hơn 87%.
Tại 2 địa phương là thị xã Phú Mỹ và TP Bà Rịa đã thực hiện việc chi trả hỗ trợ GPMB cho 16 hộ dân và chuẩn bị hơn 450 lô đất để bố trí chỗ ở cho người dân bị ảnh hưởng. Tỉnh cũng nghiên cứu, triển khai đồng bộ các tuyến giao thông nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn, đường trục chính nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ nút giao Vũng Vằn đến vòng xoay QL 51B, QL 51C.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đến nay công tác thẩm định thiết kế cắm cọc GPMB một số đoạn trọng yếu đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư đã có các văn bản trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hạng mục trạm thu phí, nhà điều hành, hệ thống giao thông thông minh ITS và báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thành phần 3 của DA. Với quyết tâm cao, tỉnh phấn đấu sẽ khởi công xây dựng DA vào dịp 30-4 tới đây, sớm hơn 2 tháng so với tiến độ Chính phủ đã đề ra.
Về phía Đồng Nai, theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UNND tỉnh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua tỉnh Đồng Nai dài 34,2km với hơn 2.500 hộ bị ảnh hưởng, do đó, tỉnh đang tiến hành hoàn tất các thủ tục như bồi thường, GPMB, phấn đấu khởi công xây dựng trước ngày 30-6.