Ngày 26-3, Hội Nhà văn (HNV) TPHCM đã tổ chức lễ ra mắt các ban công tác, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngoài Ban Kiểm tra được Đại hội Hội nhà văn Nhiệm kỳ 8 bầu trực tiếp, dịp này, hội chính thức ra mắt 7 ban công tác còn lại, gồm: Ban Tổ chức hội viên, Ban Sáng tác văn học, Ban Văn học thiếu nhi, Ban Nhà văn trẻ, Ban Nhà văn nữ, Ban Công tác CLB Văn học và Ban Truyền thông.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch HNV TPHCM, thẻ căn cước của nhà văn chính là tác phẩm. Để có tác phẩm, tác giả phải viết trong âm thầm, trong cô đơn; càng cô đơn mới có thể có những tác phẩm thực sự giá trị. Tuy nhiên, sản phẩm của văn chương ra đời cần có người đọc, cần có công chúng, có một sự chia sẻ và lan tỏa. Chính vì vậy mà các hội được thành lập và chức năng của hội rất quan trọng, đó là đưa các hoạt động chuyên môn đến với công chúng, độc giả, xã hội.
Các thành viên Ban Nhà văn nữ chụp ảnh cùng BCH HNV TPHCM Nhà văn Bích Ngân đánh giá cao những hoạt động bước đầu của các ban như Ban Hội viên, Ban Văn học thiếu nhi, Ban Nhà văn trẻ, Ban Sáng tác... Theo tiết lộ của Chủ tịch HNV TPHCM, bắt đầu từ quý 2-2021, sẽ có những cuốn sách của hội được xuất bản. Ngoài ra hội sẽ tổ chức chuyến đi thực tế về Trung ương cục do nhà thơ Bùi Phan Thảo làm trưởng đoàn; đồng thời, kết hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh tổ chức tọa đàm: “Nhà văn viết về cuộc chiến tranh cách mạng”.
Trong nhiệm kỳ mới này, nhằm tạo điều kiện cho các hội viên có điều kiện và cơ hội tốt nhất để sáng tác, Ban chấp hành và Ban thường vụ HNV TPHCM dự kiến tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Ngoài việc tạo điều kiện cho các hội viên sáng tác, hội cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá tác phẩm đến đông đảo bạn đọc.
Các thành viên của Ban Sáng tác. Vào ngày 27-4 tại Hội trường HNV TPHCM, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm sẽ là tác giả đầu tiên mở màn cho chương trình giới thiệu sách theo sự phối hợp giữa các ban, được tổ chức. Sau đó, vào ngày 5-6, sẽ có buổi tọa đàm “Từ Làng Sen tới Bến Nhà Rồng” của tác giả Trình Quang Phú. Chương trình tọa đàm nhân sinh nhật Bác vào tháng 6. Ngoài ra, hội cũng sẽ kết hợp với Thành phố Thủ Đức, tổ chức tham gia cuộc vận động thơ và bút ký về Thủ Đức.
Trên cương vị Trưởng Ban Kiểm tra, nhà thơ Bùi Phan Thảo bày tỏ vui về nguyện vọng được… “thất nghiệp”. Bởi, nếu ban thất nghiệp nghĩa là không có những chuyện lùm xùm và anh em trong hội sống với nhau thân tình, đoàn kết. Đó là điều mà không riêng Ban Kiểm tra mà cả HNV đều mong nhất.
Ban Kiểm tra của HNV TPHCM do nhà thơ Bùi Phan Thảo làm Trưởng ban Trong các hoạt động sắp tới của hội, theo nhà thơ Bùi Phan Thảo, ban sẽ cử một thành viên nào đó của ban cùng tham gia.
“Trong những sinh hoạt khác, chúng tôi sẽ thực hiện chức năng của mình là giám sát, xây dựng những quy chế và giám sát thực hiện những quy chế của hội. Điều quan trọng nhất là quan sát và lắng nghe, chọn lọc thông tin để tham mưu lại cho BCH, Ban Thường vụ; để xử lý sự nếu có. Còn nếu trong một nhiệm kỳ có được sự êm ấm là một điều rất tuyệt vời”, nhà thơ Bùi Phan Thảo bày tỏ.
Ban Nhà văn trẻ đang được kỳ vọng sẽ làm trẻ hóa hoạt động văn học cũng như hội viên cho HNV TPHCM Một trong những mục tiêu quan trọng của BCH HNV TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 chính là trẻ hóa hoạt động văn học cũng như hội viên. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng Ban Nhà văn trẻ cho rằng, đây là điều cần thiết bởi vì hiện nay, tuổi trung bình của hội viên hiện nay là 62. “Nếu không kết nạp người trẻ, tôi tin rằng, cuối nhiệm kỳ này, qua đại hội sau, 1/3 đại biểu sẽ phải chống gậy vào hội trường”, anh nói.
Vì tính chất quan trọng đó, trong phương hướng hoạt động sắp tới, Ban Nhà văn trẻ đề xuất hai nhiệm vụ chính: Kêu gọi những người trẻ tham gia vào hội và duy trì trao giải thưởng cho các nhà văn trẻ.
Ban Truyền thông được xem là cầu nối giữa các hoạt động của HNV TPHCM với các cơ quan báo chí Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, ở Hà Nội, có một số cơ quan văn học vẫn còn được bao cấp như Viện Văn học, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Do đó, khi chúng ta nhìn vào những cơ quan này, sẽ thấy lực lượng trẻ khá hùng hậu; còn ở TPHCM rất khó điểm danh vì không có những hội giúp các bạn chuyên tâm vào viết.
Các bạn làm rất nhiều nghề nên bình thường nếu nhìn vào chúng ta không nhận diện được, dù đi ra nhà sách, 60% đầu sách trên kệ là của các nhà văn trẻ. “Vì sao lực lượng tác giả trẻ đông như vậy mà mỗi năm chúng ta chỉ kết nạp được với số lượng rất ít?”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đặt vấn đề.
Riêng ở cấp độ ban, mỗi năm Ban Nhà văn trẻ sẽ giới thiệu ứng viên sáng giá để trao giải thưởng tác giả trẻ. Trước đây, giải thưởng này được thành lập từ rất lâu nhưng mới chỉ trao cho 3 tác giả: Trần Minh Hợp, Tiểu Quyên và Ngô Thị Thúy Nga. Ngoài ra, theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, dự kiến, Ban Nhà văn trẻ sẽ tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM vào tháng 8-2022.
HỒ SƠN