Tạo điều kiện khơi thông nguồn lực
Nhất trí với chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, TPHCM là đô thị đặc biệt, “không chỉ cần cơ chế đặc thù mà cần phải đặc biệt; không chỉ cần vượt trội mà phải đi trước”. ĐB kỳ vọng TPHCM thực sự trở thành đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới; là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, chưa đủ chín.
ĐB Dương Khắc Mai cùng nhiều ĐB khác tán thành quan điểm tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực phát triển thông qua các cơ chế, chính sách dành cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC); ưu tiên đầu tư cho một số công trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, công trình dự án chống ngập...
Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực y tế, ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này, nhất là phải động viên được hệ thống y tế tư nhân đồng hành. TPHCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Cũng với quan điểm này, ĐB Trần Khánh Thu đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư (PPP) cho cả lĩnh vực y tế và không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, ĐB kiến nghị giao HĐND TPHCM quyết định danh mục các dự án và giám sát việc thực hiện. ĐB cũng cho rằng việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM là cần thiết và là một chính sách đột phá để chăm sóc sức khỏe cho người dân từ sớm từ xa.
“TPHCM là đô thị loại đặc biệt, cần phải có cơ chế đặc biệt để TPHCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt cho vùng và khu vực” - ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
Cần trao quyền cho TPHCM quyết định về tổ chức bộ máy
Bàn về những cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, nhiều ĐB nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TPHCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên họp toàn thể. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị Quốc hội phân quyền cho HĐND TPHCM được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp thành phố và cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc. Cùng với đó là phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và UBND cấp dưới; quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định tổng biên chế đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. “Quy định này sẽ làm tăng hiệu quả trong công tác quản lý, giúp TPHCM có thể áp dụng các giải pháp mới, thử nghiệm các mô hình quản lý mới phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu quản lý nhà nước tại mỗi thời kỳ”, ĐB Nguyễn Phương Thủy phân tích.
Riêng đối với TP Thủ Đức, với mục tiêu hình thành khu đô thị sáng tạo, là hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐB Nguyễn Phương Thủy nhìn nhận, các nội dung phân quyền như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết “chưa thể tạo được những đột phá căn bản”. Về lâu dài, đề nghị nghiên cứu xây dựng luật về đô thị đặc biệt để có những cơ chế mạnh mẽ, vượt trội hơn nhằm phát triển các đô thị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ riêng TPHCM.
Cùng quan điểm, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung những cơ chế thu hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu nghị quyết được Quốc hội ban hành, cần giao cho Chính phủ ban hành các chính sách và chỉ đạo triệt để thực hiện vấn đề này.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ghi nhận các ĐB đã thể hiện tính trách nhiệm cao, tình cảm lớn đối với TPHCM. Trong quá trình xây dựng nghị quyết, Bộ KH-ĐT đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và TPHCM, đảm bảo nghị quyết không trái với Hiến pháp, bám sát các nghị quyết của Đảng và thuộc phạm vi thẩm quyền của Quốc hội, được thuyết minh rõ ràng, có trọng tâm trọng điểm. Để tổ chức thực hiện, TPHCM đã xây dựng chương trình khá chi tiết. Chính phủ cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ thành phố, tăng cường giám sát, kiểm tra khâu tổ chức thực hiện để nghị quyết, sau khi được Quốc hội thông qua, nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao nhất.
Đáng lưu ý, người đứng đầu ngành KH-ĐT đã tiếp thu ngay nhiều nội dung vừa được các ĐB góp ý và cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết. “Đồng thời, trong quá trình thực hiện mà thấy có những giải pháp mới hơn, mạnh hơn thì cũng sẽ báo cáo với Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội): “TPHCM nên được giao quyền chủ động, có những điều chỉnh cần thiết về cơ cấu, tổ chức bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bố trí tại từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để bảo đảm đáp ứng tốt hơn các thách thức và cơ hội phát triển đang đặt ra
Giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15
Chiều 8-6, với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2024. Thứ nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự án sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TPHCM…). Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát 2 chuyên đề: việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.