Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật (gồm Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu) đang được Bộ KH-ĐT gấp rút hoàn thiện được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” hình thức đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đây chỉ là một trong nhiều hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhưng từ năm 2021 đã không còn được áp dụng đối với dự án đầu tư mới do lo ngại những lỗ hổng pháp lý làm phát sinh khó khăn, tiêu cực.
Gần đây, Quốc hội cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai trở lại, gồm TPHCM, Hà Nội và Nghệ An. Theo đó, TPHCM được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (sử dụng ngân sách thành phố), Nghệ An được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (sử dụng ngân sách nhà nước hoặc tiền thu từ đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất), Hà Nội được áp dụng cơ chế BT thanh toán bằng tiền (ngân sách thành phố) hoặc bằng quỹ đất. Có thể thấy, cơ chế thanh toán bằng tiền hay đất hoặc cả 2 hình thức vẫn đang được cân nhắc.
Dự thảo luật mà Bộ KH-ĐT đang đưa ra lấy ý kiến cũng quy định 2 phương án: Phương án 1 quy định áp dụng hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền; phương án 2 áp dụng cả cơ chế thanh toán bằng tiền và bằng đất. Với phương án 1, nguồn thanh toán phải được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để có cơ sở thanh toán hoặc được chi trả trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT từ nguồn tiền thu được từ đấu giá tài sản công. Tuy nhiên, mô hình này vẫn có rủi ro. Nếu chậm thanh toán, phần lãi phát sinh sẽ dẫn đến giá trị công trình tăng lên.
Bên cạnh đó cũng phải xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước (để cho phép áp dụng cơ chế tiền thu được từ bán đấu giá được chi trả trực tiếp cho nhà đầu tư dự án BT mà không phải nộp về ngân sách nhà nước) và Luật Đấu giá tài sản (để cho phép nhà đầu tư dự án BT được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu giá).
Phương án 2 cho phép áp dụng hợp đồng BT thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền (như phương án 1) và bằng quỹ đất (không phải đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp). Phương án này có ưu điểm là tạo cơ sở pháp lý để huy động thêm nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển và phần nào khắc phục được bất cập trong việc xác định giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất thanh toán tại thời điểm lập dự án, đấu thầu, ký kết hợp đồng. Song, phương án này lại chưa xử lý được tình trạng giá trị quỹ đất thực tế tại thời điểm giao đất vượt gấp nhiều lần giá trị quỹ đất dự kiến tại hợp đồng; thiếu cơ sở để giao toàn bộ quỹ đất dự kiến cho nhà đầu tư theo cam kết tại hợp đồng (dù cho phép áp dụng cơ chế bù trừ chênh lệch).
Đối với phương án này, có ý kiến đề xuất không sử dụng tài sản công để thanh toán dự án BT mà chỉ sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý theo pháp luật về đất đai. Cơ quan soạn thảo cho rằng rất khó phân định giữa “quỹ đất thuộc tài sản công theo pháp luật về tài sản công” và “quỹ đất do Nhà nước quản lý theo pháp luật về đất đai”…
Thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua luật sửa 4 luật đã rất cận kề, do đó việc tổng hợp, cân nhắc các đóng góp, kiến nghị để quyết định chính sách phù hợp nhất là hết sức quan trọng. Sử dụng “dao sắc” tất nhiên là cần thận trọng nhưng nếu khéo dùng thì hiệu quả mang lại sẽ rất xứng đáng.