Chỉ rõ những hạn chế
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN, TPHCM được đánh giá là địa phương năng động nhất cả nước về phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các mô hình tăng trưởng hiện nay đều cho thấy vai trò động lực của KH-CN và ĐMST, trong đó chủ yếu dựa vào nguồn lực từ các DN đầu tư cho KH-CN và ĐMST. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng sẵn có, TPHCM cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tháo gỡ các rào cản về cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của DN.
Theo thống kê, số tiền trích lập Quỹ phát triển KH-CN trên cả nước đạt trên 23.000 tỷ đồng (tổng số 1.281 lượt DN) và sử dụng trên 14.000 tỷ đồng. So với tổng số DN hiện có, số DN đã thực hiện trích lập quỹ là khá khiêm tốn. Riêng trên địa bàn TPHCM có 127 DN báo cáo thành lập quỹ, trong đó có 79 DN nhà nước và 45 DN ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, DN còn lúng túng trong việc thực hiện quy định về phương thức thực hiện nhiệm vụ KH-CN (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của Luật KH-CN, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP), dẫn đến không áp dụng được, phải chuyển sang hình thức đấu thầu lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, văn bản pháp luật thiếu các chế tài, quy định cụ thể để khuyến khích sử dụng nguồn lực của DN cho KH-CN và ĐMST.
“Bên cạnh đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKH-CN là văn bản hướng dẫn chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp DN nên có một số nội dung không phù hợp và chưa cụ thể cho việc sử dụng quỹ đối với các DN nhà nước, hay chưa cho phép chi cho đối tượng ngoài DN… Ngoài ra, để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, DN cần thực hiện theo một quy trình kỹ lưỡng, nhiều giai đoạn, từ lúc có ý tưởng, lựa chọn công nghệ đến khi triển khai đầu tư, đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh và kéo dài nhiều năm tùy thuộc vào nhiều yếu tố…”, ông Phan Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), cho biết.
Đề xuất nhiều cơ chế mới
Trước những tồn đọng trên, Sở KH-CN TPHCM đã đề xuất thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH-CN nhằm khai thông quỹ.
Đối với nội dung chi thực hiện nhiệm vụ KH-CN, đề xuất DN, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn thành phố được thực hiện theo các phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ không thông qua đấu thầu; được thanh toán toàn bộ phần kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ KH-CN trong trường hợp nhiệm vụ bị dừng hoặc kết quả thực hiện không đạt yêu cầu đặt hàng vì nguyên nhân khách quan; được tự lựa chọn các nhiệm vụ KH-CN liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, không giới hạn lĩnh vực nghiên cứu nhiệm vụ KH-CN…
Nội dung đề xuất “Với nội dung chi thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đề xuất thí điểm áp dụng cơ chế sandbox với các DN sử dụng quỹ cho những dự án mới, DN được mua mới máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh không kèm điều kiện thay thế bằng công nghệ tiên tiến hơn...” nhận được nhiều sự đồng tình của DN KH-CN tại tọa đàm “Đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2028” do Sở KH-CN TPHCM vừa tổ chức.
Về chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, Sở KH-CN cũng đề xuất cho phép DN nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, đề xuất quỹ được phép chi hỗ trợ, nhưng không quá 30% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN cho dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Theo ông Phan Quốc Tuấn, cơ chế thí điểm được đề xuất trên nguyên tắc khuyến khích DN chủ động thực hiện các nội dung đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển KH-CN của DN, thực hiện hoạt động chuyển đổi số phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích DN phối hợp với các tổ chức KH-CN, DN KH-CN, DN khởi nghiệp ĐMST triển khai nhiệm vụ.
“Đề án nói trên kỳ vọng sẽ giúp các DN chủ động, tích cực chi sử dụng quỹ hiệu quả hơn, thúc đẩy mục tiêu định hướng đến năm 2028, tổng giá trị quỹ được sử dụng cho các nhiệm vụ KH-CN, dự án R&D, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới đạt ít nhất 60%; hỗ trợ 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực KH-CN được nhận tài trợ từ quỹ; tăng 30% kinh phí sử dụng từ quỹ của doanh nghiệp được thí điểm để triển khai các dự án chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý của DN…”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.