Tuy vậy, một con số đáng chú ý khác từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam đang ở mức đáng báo động, chỉ khoảng 2.041 người mỗi ngày, đặc biệt tại khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ với tiêu điểm TPHCM được xem là vùng có mức sinh thấp nhất của cả nước.
Chính vì lẽ đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh đến việc vận động “sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp…”, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đây cũng là 1 trong 8 mục tiêu quan trọng mà Chiến lược Dân số đến năm 2030 trước đó đã đề ra. Điều này cho thấy, bên cạnh những triển vọng về cơ hội thị trường tiêu dùng và nguồn nhân lực dồi dào thì Việt Nam cũng đang trong tiến trình già hóa dân số. Một tiến trình mà ta hoàn toàn có thể mường tượng được từ hiện trạng hôm nay.
Cơ hội và thách thức luôn song hành trong tiến trình phát triển hướng tới tương lai. Điều quan trọng là sự lựa chọn nào của chúng ta hôm nay cho tầm nhìn phát triển. Hầu hết các chiến lược phát triển dân số của một quốc gia đều phụ thuộc phần lớn vào các thành tố cơ bản, quan trọng như: nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự phát triển khoa học kỹ thuật, nền tảng pháp luật và các thiết chế văn hóa. Cả bốn yếu tố này phải tương thích lẫn nhau trong tiến trình phát triển.
Trên bình diện phát triển bền vững, việc sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và bền vững sẽ trở thành trách nhiệm của chúng ta. Chính vì vậy, sự can đảm của những nhà hoạch định chính sách hôm nay chính là ở mục tiêu phát triển có tính toán đến tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho nguồn lực phát triển cho tương lai hay không? Một điều đáng mừng là chúng ta đang thấy những chuyển động này ở cấp Chính phủ và cả ở TPHCM khi khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp sạch và tái tạo năng lượng. Mặc dù những quyết định này không hề dễ dàng khi đối diện với thực tại quy mô dân số lớn đòi hỏi đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết tình trạng lao động việc làm, an sinh xã hội luôn là những thách thức mang tính lựa chọn cho mô hình phát triển bền vững hay đáp ứng cho những nhu cầu hiện tại.
Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng dân số thấp như hiện nay, một viễn cảnh già hóa dân số ở Việt Nam cũng đang hiện hữu trong thời gian tới. Các vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi hiện nay dường như vẫn còn nhiều khoảng trống về các cơ chế pháp lý. Thời gian qua, vấn đề bảo hiểm xã hội của người lao động trung niên phải rời khỏi nhà máy do tình hình kinh tế khó khăn và tiến trình tự động hóa đang diễn ra tại các doanh nghiệp có nguy cơ trở thành vấn đề xã hội hệ trọng một hai thập niên tiếp theo, nếu như các cơ quan Chính phủ không có những quyết sách kịp thời.
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam đang có những lợi thế trở thành một thị trường tiêu dùng hấp dẫn cho các đối tác thương mại toàn cầu. Việt Nam cũng đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Chính vì vậy, quy mô dân số hiện nay cần được xem là nguồn lực mang tính chiến lược gắn với việc phát triển kỹ thuật - công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu kiến tạo một mô hình kinh tế phát triển hiện đại nhưng không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên. Một tầm nhìn hôm nay cho nền kinh tế tăng trưởng xanh bền vững, dựa trên cơ sở tích lũy các thành tựu kỹ thuật cao. Cho dù chúng ta rồi đây sẽ bước vào thời kỳ dân số già, nhưng với những tiền đề phát triển đúng đắn hôm nay sẽ là những kỳ vọng cho một quốc gia đáng sống trong tương lai.