Ngành giáo dục và các địa phương cam kết không để một thí sinh nào vì khó khăn mà không được tham gia kỳ thi. Công tác chuẩn bị thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc. Sự cố lọt đề thi ở kỳ thi vào lớp 10 vừa qua tại Hà Nội đã là một bài học đắt giá cho ngành.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) phải quán triệt quan điểm kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp chứ không phải là kỳ thi ĐH. Vì thế, tất cả các phương thức tổ chức phải phục vụ cho mục đích này chứ không phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH. Sự tham gia của các trường ĐH-CĐ vào việc tổ chức kỳ thi là cần thiết vì liên quan tới chất lượng đầu vào của chính các trường ĐH. Mỗi cán bộ, giảng viên được coi như cán bộ của trung ương cử xuống địa phương để giám sát việc tổ chức kỳ thi. Kỳ thi tổ chức khách quan, trung thực sẽ là cơ sở để các trường ĐH-CĐ được giao quyền tự chủ ngày càng cao.
Yêu cầu này của đồng chí Vũ Đức Đam cho thấy, yêu cầu đầu tiên của kỳ thi quốc gia chính là phải bảo đảm khách quan, trung thực. Chúng ta hao tốn tiền bạc, công sức, nhân lực cho kỳ thi, trở thành sự kiện lớn khiến cả xã hội quan tâm thì yêu cầu khách quan, trung thực phải được đặt lên hàng đầu.
Qua 3 năm thực hiện đổi mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tương đối ổn định và theo hướng ngày càng nhẹ nhàng với xã hội, với phụ huynh, với học sinh. Tuy nhiên, để xã hội thực sự có lòng tin đối với ngành giáo dục và với kỳ thi này không phải dễ. Bởi sau mỗi kỳ thi, dư luận lại đặt biết bao nghi vấn về tính trung thực của kỳ thi qua những hiện tượng như: phao rải trắng điểm thi, tình trạng gian lận công nghệ cao… Và quan trọng hơn là kết quả kỳ thi quá cao với tỷ lệ đậu gần 100%. Vì vậy, hơn ai hết, mỗi cán bộ làm công tác thi phải làm hết trách nhiệm của mình, thực hiện đúng quy chế thi, không coi việc tham gia kỳ thi chỉ là “hỗ trợ địa phương”.
Tổ chức kỳ thi không chỉ là việc của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, từ các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, an toàn đến những tình nguyện viên giúp đỡ học sinh, phụ huynh trong những ngày thi. Vì thế, điều mà cả xã hội trông đợi chính là một kỳ thi trung thực, khách quan.