Bộ phim không được đánh giá cao về nội dung, kịch bản nhưng hình ảnh về những danh thắng Việt Nam xuất hiện trong phim nhanh chóng thu hút sự chú ý. Các nhà làm phim khéo léo đưa người xem đi qua nhiều địa điểm từ Bắc vào Nam. Dưới lăng kính của ê kíp làm phim ngoại quốc, các địa danh Việt Nam hiện lên vừa quen vừa lạ. Từ làng quê đến thành thị đều được khắc họa sống động, chân thực. Ê kíp cũng khéo léo cài cắm một số yếu tố văn hóa, chẳng hạn như xích lô, áo dài, cách nấu xôi gấc, cách đón tết… Thậm chí, nạn chặt chém du khách của du lịch Việt Nam cũng được đề cập nhẹ nhàng, hài hước.
Scott Ly, nam diễn viên đóng vai Sinh của A Tourist’s Guide to Love bày tỏ hy vọng, xem xong phim nhiều người nước ngoài sẽ muốn đến Việt Nam du lịch. Trước đó, Scott Ly cũng từng chia sẻ: “Có rất nhiều thứ đã xuất hiện trong đầu khi tôi đọc kịch bản của bộ phim về chính quê hương mình. Tôi thật sự rất biết ơn khi có thể trở về Việt Nam để có thể làm việc với chính con người ở nơi đây. Đó là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và khác lạ đối với bản thân tôi”.
Lâu nay nhiều quốc gia vốn coi hợp tác sản xuất phim là cách thức quan trọng nhất để phát triển điện ảnh, từ đó đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ. Thế nhưng, tại Việt Nam, đất nước vốn có tiềm năng dồi dào, thì việc “khai phá” qua phim ảnh lại chưa như kỳ vọng.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông nhận định, bộ phim sẽ là tiền đề cho Netflix nói riêng và các nhà làm phim quốc tế nói chung có nhiều ý tưởng hơn nữa trong việc sản xuất các bộ phim tại Việt Nam. Một diễn đàn liên kết các thương hiệu du lịch - điện ảnh Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian tới tại Nha Trang - Khánh Hòa. Đây là lần đầu tiên Bộ VH-TT-DL đề cập đến sự gắn bó giữa hai lĩnh vực và kỳ vọng mối “lương duyên” của điện ảnh - du lịch sẽ mở ra nhiều bước phát triển đột phá trong tương lai.