Dịch vụ hiếm, giá cước cao
Theo ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ở khía cạnh công nghệ, có thể tính đến khả năng sử dụng dịch vụ truy cập internet không dây qua vệ tinh nhưng trên cơ sở phù hợp lợi ích quốc gia và quy định của pháp luật Việt Nam. Từ tháng 4-2021, Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) đã đề xuất triển khai thí điểm dịch vụ internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) để tăng khả năng phủ sóng cho mạng di động. Giải pháp truyền internet qua LEO được đánh giá có ưu điểm về chi phí xây dựng và phóng vệ tinh thấp.
Trước đó, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh, được kết nối với các trạm vệ tinh cỡ nhỏ VSAT (Very Small Aperture Terminal) và hệ thống thông tin vệ tinh băng rộng Vinasat để cung cấp các dịch vụ viễn thông. VNPT đang cung cấp nhiều gói dịch vụ như: truy nhập internet gói Maxi tốc độ tối đa 4.096/384Kbps, cước 2,1 triệu đồng/tháng; gói Dreaming tốc độ tối đa 4.096/640Kbps, giá 5,25 triệu đồng/tháng; hay cước thuê kênh riêng IP tốc độ 2 Mbps - kênh 2 chiều đối xứng giá 186.544.500 đồng/tháng, kênh 1 chiều giá 93.534.000 đồng/tháng. “Internet vệ tinh là một chọn lựa khi cáp quang bị sự cố trầm trọng, nhưng với giá thành của doanh nghiệp trong nước cung cấp hiện nay thì rất kẹt cho doanh nghiệp. Còn internet vệ tinh Starlink, tôi nghĩ là chưa thể cung cấp dịch vụ ở Việt Nam nên khó có dịch vụ của nhà cung cấp này lúc cần”, anh Huỳnh Long Sơn, một nhà cung cấp giải pháp phần mềm ở quận 3, TPHCM, bày tỏ.
Vào tháng 4-2008, vệ tinh Vinasat-1 của Việt Nam được phóng lên quỹ đạo 132 độ Đông, đánh dấu một cột mốc lịch sử quan trọng, giúp Việt Nam hoàn chỉnh hệ thống viễn thông bao gồm cả mặt đất và không gian. Vinasat-1 đã thành công với việc nhanh chóng phủ đầy dung lượng. Năm 2012, VNPT tiếp tục phóng vệ tinh Vinasat-2, nhằm đảm bảo dự phòng dung lượng cho Vinasat-1, đồng thời đáp ứng các nhu cầu về truyền tải đang tăng lên rất nhanh. Theo đại diện Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, việc phóng thành công Vinasat-1, Vinasat-2 là kết quả của một dự án quốc gia, được Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, vệ tinh Vinasat-1 và 2 đều có tuổi thọ 15 năm, nghĩa là đến năm 2023, Vinasat-1 chính thức hết tuổi thọ và đến năm 2026 là hết tuổi thọ Vinasat-2.
Trung tâm Viễn thông quốc tế miền Nam (thuộc VNPT), nơi cung cấp dịch vụ internet vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Internet vệ tinh: giải pháp hữu ích
Với nỗ lực “phủ sóng thế giới”, SpaceX - công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Mỹ Elon Musk, đang phát triển mạng internet vệ tinh tốc độ cao Starlink. Được vận hành từ tháng 10-2020, Starlink có hơn 400.000 người dùng trên toàn cầu và đang có khoảng 3.000 vệ tinh bao quanh Trái đất. Gần đây, Starlink đã xuất hiện ở một số nơi ở Đông Nam Á, ứng dụng đo lường Speedtest cho thấy tốc độ tải xuống với mạng di động tại Indonesia là 17,96 Mb/giây và tại Philippines với 19,45 Mb/giây.
Tại Việt Nam, vào tháng 4-2021, website SpaceX thông báo đăng ký trước dịch vụ internet tại Việt Nam với giá cọc 99 USD nhưng sau đó không thấy động thái tiếp theo. Một đại diện của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) giải thích: “Việc cung cấp dịch vụ internet qua vệ tinh Starlink hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào khác tại Việt Nam sẽ chịu điều chỉnh bởi Luật Viễn thông và các cam kết quốc tế (WTO, CPTPP...), cần được cấp phép”. Tuy nhiên, internet vệ tinh của SpaceX tại Việt Nam tiếp tục được “kết nối” khi ngày 21-3, đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn đã bắt đầu thăm và làm việc tại Việt Nam theo chương trình kéo dài đến 24-3. Trong đoàn có đại diện các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Meta, SpaceX, VISA, AES, Boeing… Trong đó, đáng chú ý, SpaceX bày tỏ ý muốn tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam. Nhiều người kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm dùng được dịch vụ của SpaceX như các nước trong khu vực. “Về công nghệ, internet vệ tinh là một giải pháp hữu ích với công nghệ sẵn có. Nhưng vì hiện tại giá dịch vụ cao nên nó không dành cho khách hàng phổ thông, chỉ dành cho khách hàng có nhu cầu đặc biệt. Nếu dự báo được nhu cầu, có phương án kinh doanh khả thi, internet vệ tinh là một giải pháp để phát triển hạ tầng internet Việt Nam tốt hơn; là giải pháp để kết nối internet cho các địa điểm ở xa và khó tiếp cận”, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, chia sẻ.
Thêm 2 tuyến cáp quang biển sắp hoạt động
Ngoài 5 tuyến cáp quang biển đang có là AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (Sea-Me-We 3), IA (Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe -1), có 2 tuyến cáp quang biển sắp được đưa vào khai thác. Một là tuyến cáp quang SJC2 - tuyến cáp biển quốc tế thứ 6, được VNPT cùng các tập đoàn quốc tế (CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC) đầu tư với vốn ban đầu 439 triệu USD, chiều dài cáp ngầm dưới biển 10.500km, dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024 đưa vào khai thác thương mại. Hai là tuyến cáp quang ADC (Asia Direct Cable) - tuyến thứ 7 do Viettel tham gia đầu tư, dự kiến hoàn thành và khai thác cuối năm 2023, đầu năm 2024, tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.