Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ đã phát huy tác dụng, dần dần đưa các hoạt động kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo bình thường mới. “Dòng máu” được tiếp bước đầu đã bồi bổ sức khỏe cho doanh nghiệp.
Thế nhưng, nền kinh tế vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi dịch Covid-19 với biến thể Omicron đang là nỗi ám ảnh lớn. Tính chung cả 11 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15% về số lượng, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng cũng vẫn có tới hơn 52.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước); gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17,4%) và 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,7%). Như vậy, bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Nhìn trên bình diện chung để thấy rằng, có rất nhiều việc phải làm để thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, cần có những đánh giá cụ thể về tình hình kinh tế thế giới theo nhiều chiều và quy mô khác nhau, đặc biệt là đánh giá chính xác mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi trong nước, từ đó xác định những lĩnh vực “đòn bẩy”, có khả năng sưởi ấm nền kinh tế một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, việc Quốc hội khóa XV tổ chức diễn đàn kinh tế vào ngày 5-12 tới đây, quy tụ đông đảo đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp để tập trung trí tuệ, hiến kế phục hồi là hết sức cần thiết và kịp thời. Để tổ chức “hội nghị Diên Hồng” về kinh tế này, đích thân Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc “từ sớm” với các chuyên gia, nhà kinh tế hàng đầu, đại diện các bộ, ban ngành và địa phương.
Quy mô hỗ trợ doanh nghiệp đến đâu, chính sách cụ thể như thế nào còn phải chờ nhưng về chủ trương thì đã rõ, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: quy mô, liều lượng, trọng tâm của những chính sách ngắn hạn phải luôn đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững. Chẳng hạn, nếu quyết định hỗ trợ lãi suất thì phải kiên quyết đảm bảo một số nguyên tắc như không làm méo mó thị trường, tạo ra những rủi ro nợ xấu về lâu về dài vì cho vay dưới chuẩn. Cách hỗ trợ đúng đắn - như nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài đã khuyến nghị mạnh mẽ - là không dàn trải mà có lựa chọn, tạo ra sự sàng lọc đúng quy luật thị trường. Đồng nghĩa với việc không phải gượng dậy trên con đường cũ, mà phục hồi mạnh mẽ trên con đường mới.