Kỳ vọng du lịch Việt “rã đông”

Từ ngày 15-3, Trung Quốc sẽ đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn. Sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Việt Nam sẽ “rã đông” trước cột mốc quan trọng này ra sao?
Hệ thống hang động ở Quảng Bình thu hút nhiều du khách toàn cầu. Ảnh: MINH PHONG
Hệ thống hang động ở Quảng Bình thu hút nhiều du khách toàn cầu. Ảnh: MINH PHONG

Tất cả đã sẵn sàng

Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc TST Tourist, cho biết khách Trung Quốc đến các tỉnh, thành khu vực phía Nam chủ yếu theo đường hàng không, gồm Thượng Hải, Quảng Châu… Công ty sẵn sàng các sản phẩm ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam để thu hút khách đến, kéo dài thời gian lưu trú của khách, nhất là nhóm khách chi tiêu cao gồm doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn chờ ngành hàng không mở thêm các đường bay hai chiều Việt Nam - Trung Quốc để kết nối phục vụ khách hiệu quả hơn.

Còn ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Liên bang Travel (chuyên thị trường khách nói tiếng Hoa), cho hay, các điểm đến, ẩm thực của Việt Nam rất thu hút thị trường khách nói tiếng Hoa. Sản phẩm đã có, nhà tour sẵn sàng phục vụ, giờ chỉ chờ khách đến.

Là đơn vị lữ hành chuyên khai thác thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát ở Đà Nẵng, cho biết, để đón dòng khách này đơn vị đã làm việc với các đối tác là nhà hàng, khách sạn, chuẩn bị hướng dẫn viên, phương tiện vận chuyển tại Đà Nẵng, đồng thời kết nối với các đối tác tại Trung Quốc….

“Hội An thường là điểm đến dòng khách này chọn lựa, bởi đây là một thành phố sống động nhưng bên trong lại tồn tại một khu phố cổ tĩnh lặng với những ngôi nhà cổ còn lưu giữ tốt nét kiến trúc đặc trưng Việt - Nhật - Hoa. Sự trở lại của dòng khách này sẽ không diễn ra ồ ạt sau 15-3 mà tăng trưởng dần dần”, ông Xoang nói.

Để “hút” khách Trung Quốc, theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, vì Đà Nẵng là thành phố của sự kiện nên sắp tới, địa phương liên tục diễn ra các sự kiện tạo nên hiệu ứng trong cao điểm mùa hè như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023; Ba Na by Night; giải dù lượn “Bay trên biển bạc”…

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, đặc thù của du khách Trung Quốc là đi theo đoàn đông nhưng không lưu trú lại Hội An mà chỉ ghé thăm, tham quan trong vài giờ. Dù vậy địa phương đã thông báo đến các điểm tham quan, dịch vụ ăn uống để các cơ sở này chuẩn bị, tránh lúng túng.

Tại Huế, để đón đầu dòng khách này, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị đã trao đổi với các doanh nghiệp chuẩn bị dịch vụ, triển khai marketing phù hợp với đối tượng đặc thù.

Thông tin từ các hãng hàng không, dự kiến, giai đoạn đầu dòng khách Trung Quốc sẽ quay lại trên các chuyến bay thuê chuyến. Sau đó, các hãng hàng không sẽ nối lại những đường bay thẳng thường lệ giữa Đà Nẵng và các thành phố phía Trung Quốc. Từ tháng 4-2023, Vietnam Airlines xem xét mở lại 4 đường bay giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô với tần suất 2 chuyến bay/tuần trên mỗi đường bay.

Khách Trung Quốc tham quan TP Hội An, Quảng Nam vào ngày 5-3. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Khách Trung Quốc tham quan TP Hội An, Quảng Nam vào ngày 5-3. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thiếu sản phẩm khác biệt

Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), Singapore, Thái Lan là những điểm đến thu hút dòng khách quốc tế chi tiêu cao và ngành du lịch nước ta có thể học hỏi từ họ. Với đảo quốc Singapore, diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc, thiên nhiên không ưu đãi nhưng nơi đây vẫn trở thành “thiên đường mua sắm”. Đây cũng là đảo quốc miễn thuế, chính phủ chỉ thu thuế GST (thuế hàng hóa và dịch vụ). Lợi thế này đã hình thành các trung tâm mua sắm quy mô lớn, các cửa hàng thương hiệu từ trung cấp tới cao cấp... Singapore cũng mạnh tay xây dựng các khu phức hợp trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp giải trí, casino… thu hút các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội thảo). Từ đó, giúp tổng chi tiêu trung bình của 1 du khách ở Singapore cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.

Tương tự, Thái Lan mặc dù có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với Việt Nam, nhưng khoảng cách ngành du lịch 2 nước vẫn còn rất lớn. Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020.

“Những công trình quy mô lớn thu hút khách chi tiêu cao như các quốc gia trên đang được chúng tôi thực hiện đến giai đoạn hoàn thiện dự án trình UBND TPHCM. Các nhà đầu tư Mỹ đã từng đầu tư vào casino Marina Bay Sand và khu Universal Studio tại Singapore đã xúc tiến việc nghiên cứu địa điểm và điều kiện để đầu tư khu Disneyland, khu giải trí casino, khu Factory outlet ở TPHCM. Chắc chắn TPHCM có thể được như Singapore, thu hút khách quốc tế đến vui chơi, mua sắm”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng, suốt thời gian qua, hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm mang tính khác biệt. Điển hình, việc phát triển kinh tế đêm là một ví dụ. Khách quốc tế tới Việt Nam chi tiêu chỉ khoảng 7,5 USD/người/đêm trong khi ở Thái Lan họ chi hơn 30 USD/người/đêm, còn ở Singapore hơn 100 USD/người/đêm.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, thị trường khách Trung Quốc rất lớn nhưng Việt Nam mới chạm vào một góc nhỏ, còn nhiều phân khúc cao cấp chưa khai thác được nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chủ động hơn nữa, phải làm việc với đối tác lớn của Trung Quốc để đón khách, tránh thụ động, vì khi họ gửi khách đến, mình chỉ là... cánh tay nối dài.

Sau một thời gian dài xây dựng, đầu tháng 3-2023, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Đây có thể được coi là chiến lược marketing đầu tiên và có kế hoạch dài hơn của ngành công nghiệp không khói nước nhà.

Theo đó, đến năm 2025, mục tiêu phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8%- 9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13%-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4%-5%/năm.

Tin cùng chuyên mục