Ai Cập có lịch sử khai thác vàng lâu đời, từ thời các pharaoh. Trong nhiều thập niên, ngành công nghiệp này có tiềm năng lớn nhưng không thu hút được đầu tư, do các chính phủ liên tiếp không tạo được sự phù hợp giữa lợi thế địa chất của đất nước và một khuôn khổ thương mại hấp dẫn nước ngoài đến đầu tư khai thác.
Tại Triển lãm Vàng và trang sức Nebu 2022 (20 đến 22-2), Bộ trưởng Công thương Ai Cập Nevine Gamea cho biết, Thành phố vàng sẽ được xây dựng với diện tích 60ha, gồm 400 xưởng sản xuất vàng, 150 xưởng dạy nghề, một trường đào tạo về nghề chế tác vàng và trang sức. Cơ sở đào tạo này sẽ liên kết với Trường Vàng Ai Cập ở thành phố Obour để tổ chức các chương trình đào tạo nghề. Ngoài ra, Thành phố vàng còn bao gồm các đơn vị giao nhận và cất giữ, tiệm vàng, hàng thủ công cũng như một số dịch vụ khác, như dập và cân đồ trang sức, bảo tàng, công viên giáo dục trẻ em, khu ẩm thực và trung tâm hậu cần…
Ai Cập nổi tiếng với nguồn tài nguyên phong phú về vàng và các khoáng sản khác, đặc biệt là ở khu tam giác Halayeb và phần phía Đông của Aswan, thành phố phía Nam Ai Cập. Là một phần của dự án, các công ty vàng nước ngoài sẽ được phép tiến hành nhượng quyền khai thác tại các khu vực cụ thể. Nếu thành công, ngành công nghiệp này có thể tạo ra việc làm và thu hút ngoại tệ cho một nền kinh tế đang suy thoái. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 5.000 cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các chuyên gia, kỹ thuật viên, tư vấn, người lao động. Nó sẽ làm tăng xuất khẩu vàng của đất nước với các nhãn hiệu trong nước và nhãn hiệu toàn cầu được sản xuất tại thành phố chuyên về vàng. Nhà máy luyện quặng vàng ở thành phố này sẽ tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ và cung cấp một lượng lớn vàng đủ để sản xuất đồ trang sức xuất khẩu.
Ngành công nghiệp vàng là một trong những ngành quan trọng ở Ai Cập. Tổng kim ngạch xuất khẩu vàng của Ai Cập đã đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô thị trường trang sức toàn cầu đã vượt 228 tỷ USD/năm và dự kiến sẽ đạt trên 307 tỷ USD vào năm 2026. Do đó, Ai Cập cần có sự đóng góp của cả khu vực nhà nước và tư nhân để gia tăng thị phần của nước này trên thị trường trang sức thế giới. Giới phân tích trong lĩnh vực kinh doanh vàng của Ai Cập nhận định, Thành phố vàng được trang bị công nghệ hiện đại sẽ là điểm đến của các thương nhân.
Hiện nay, vàng, đồ trang sức và đá quý của Ai Cập đã được xuất khẩu đến 36 quốc gia, trong đó có 4 thị trường mới là Croatia, Cộng hòa Czech, Áo và Hàn Quốc. Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Công thương Ai Cập, đất nước này có nhiều cơ hội xuất khẩu vàng sang thị trường các nước Arab và châu Phi. Theo báo Al Monitor, Chính phủ Ai Cập kỳ vọng dự án Thành phố vàng sẽ đưa Ai Cập lên bản đồ vàng thế giới và tạo ra bước đột phá trong ngành khai thác vàng của đất nước.