Phim remake là xu hướng tất yếu
Sau 15 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam - giải Cánh diều vàng đã bổ sung thêm ứng cử viên mới là dòng phim remake hay còn gọi là phim được làm lại trên kịch bản nước ngoài. Điều này cũng dẫn đến nhiều tranh luận trái chiều giữa chính những người làm điện ảnh.
Nhiều đại biểu nhận định, đây là xu hướng chung của điện ảnh thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm phim truyện và phim truyền hình thu hút đông đảo khán giả chính là dòng sản phẩm của remake.
Về truyền hình, có thể kể đến 2 bộ phim bom tấn là Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử…, còn điện ảnh thì đó là Bạn gái tôi là sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ… NSND Thanh Vân nhận định, ở khía cạnh chuyên môn, phim làm lại dường như chặt chẽ hơn, thú vị hơn, không mắc phải những lỗi sơ đẳng về kịch bản. Trong khi đó, để tìm kiếm một kịch bản trong nước hoàn chỉnh là rất hiếm.
Dưới một góc nhìn khác, đạo diễn Đào Bá Sơn cũng khẳng định, xuất hiện nhiều phim remake thì khán giả sẽ càng được lợi, bởi họ sẽ được tiếp cận với nhiều phim tốt của quốc tế. Tuy nhiên, trong các giải mang tính nghề nghiệp thì nên cân nhắc khi trao giải cho những dòng phim kiểu như vậy. Riêng dòng phim này cũng nên phân tách ra loại phim phiên bản - phim làm lại phải tuân thủ từng góc máy, từng lời thoại đến ngoại hình của các nhân vật.
Loại phim này sức sáng tạo của nghệ sĩ không nhiều vì thế không nên đưa ra chấm xét giải thưởng. Còn những phim dựa trên kịch bản gốc để Việt hóa, biên tập lại cho phù hợp, gần gũi với khán giả Việt thì nên ủng hộ, khuyến khích, bởi nó đem đến cho điện ảnh trong nước nhiều màu sắc mới.
Tỏ ý khắt khe hơn, đạo diễn - NSND Nhuệ Giang lại cho rằng, không nhìn thấy ở đó những màu sắc của xã hội Việt Nam, không có những đề tài gần gũi với cuộc sống. Đạo diễn tỏ ra lo lắng khi nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đã không được chuyển tải, trong phim chỉ thấy nam thanh nữ tú với cuộc sống hiện đại, giàu sang. Bà lo lắng một thế hệ khán giả lười biếng, không chịu suy nghĩ, chỉ đến rạp để vui vẻ với những câu chuyện giải trí đâu đâu, rời xa với thực tế.
Theo NSND Nhuệ Giang trong 3 ngày xem phim (13 phim) thì có đến 2 ngày “thảm họa” và chỉ 1/3 trong số phim dự thi là xem được. Có lẽ nhà sản xuất cứ nghĩ rằng, phim thị trường thì phải hài nên phần lớn phim dự thi đều mang yếu tố hài - nhưng không phải hài tình huống mà là cường điệu.
Phim nghệ thuật và thị trường xích lại gần hơn
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cho rằng: 13/39 phim dự thi giải Cánh diều vàng 2017 không thể đại diện cho toàn bộ diện mạo của điện ảnh trong nước trong thời điểm này, nhưng chúng đã tạo nên nhiều xúc cảm. Dòng phim thị trường ra rạp mang diện mạo mới, hoàn toàn khác so với những đợt phim dự giải trước. Ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường dường như đã xóa nhòa, có nhiều lúc quyện vào nhau.
Khẳng định tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao của điện ảnh trong nước, song đạo diễn - NSND Thanh Vân thẳng thắn cho rằng, việc nhiều nhà sản xuất cùng hợp tác làm phim cũng làm cho rủi ro của tác phẩm khi đến với công chúng được giảm thiểu, nhờ có công nghệ tốt, phát hành tốt, quảng bá tốt. Song các tác phẩm lại thiếu vắng tính tác giả. “Đã nhiều năm đại diện của điện ảnh Việt không còn có vị trí tốt trong các liên hoan phim khu vực. Lâu rồi, chúng ta không có dự án phim nào có thể tiệm cận với mặt bằng chung của điện ảnh thế giới”, ông nói.
So sánh giữa 2 dòng phim thị trường và nghệ thuật, chúng ta vẫn phải thừa nhận, dòng phim xã hội hóa hay phim thị trường đã gánh vác được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, các nhà làm phim tư nhân chủ yếu đầu tư cho những phim với không gian nhỏ, quan hệ hẹp; chưa nêu bật được không gian rộng lớn, cuộc sống chung của cả cộng đồng, dân tộc.
Cùng chung nhận định này, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, phim điện ảnh năm nay có đến 85% được làm, được kể một cách chuyên nghiệp. Các nhà sản xuất phim tư nhân đã có đầu tư khá chuyên nghiệp về hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo tốt như Dạ cổ Hoài Lang, Đảo của dân ngụ cư…
“Tôi không đồng tình với nhận xét cho rằng những phim này không có gì là Việt Nam. Chúng ta phải xem lại chúng ta, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ bị già nua, không sống cùng với cảm nhận của các bạn trẻ”, đạo diễn Đào Bá Sơn nói.
Ngày càng nhiều bộ phim ăn khách, chất lượng cao ra đời, các nhà làm phim đang từng bước hướng tới vẻ đẹp rất nhân văn... Theo đạo diễn này, 2 năm qua, các phim tư nhân cũng đã có bước tiến đáng kể, xích lại gần hơn giữa ranh giới của phim nghệ thuật và phim thị trường.