Ngày 27-6, nhận xét về đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), hiện là giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng, là môn thi mở đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục 2006, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GD-ĐT. Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.
Phần làm văn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và bài nghị luận văn học (5 điểm).
Đặc biệt, theo TS Trịnh Thu Tuyết, yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”. Vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận, nhưng thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
Ngay trong thực tế ngành giáo dục, bản thân những đề văn yêu cầu học sinh “trả bài” của thầy cô lại cho thầy cô, càng đúng ý thầy cô bao nhiêu, điểm càng cao bấy nhiêu, vốn đã là sự triệt tiêu cá tính sáng tạo. Đề bài yêu cầu trình bày “suy nghĩ, cảm nhận của học sinh nhưng đáp án lại là suy nghĩ, cảm nhận của thầy cô”, đó cũng là nguyên nhân sự trì trệ, nhàm chán trong tư duy, cách sống, cách nghĩ của nhiều lớp người thiếu vắng cá tính.
Do đó, có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới thành công.
Còn mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận… thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kỳ thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú.
“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỷ”, TS Trịnh Thu Tuyết nêu.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết, hai phần đọc hiểu và làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay, với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi đến với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản.
Bắt đầu từ năm 2025, giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình giáo dục 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, TS Trịnh Thu Tuyết hy vọng đề thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.
Trao đổi với Phóng viên Báo SGGP, một số giáo viên Ngữ văn cũng cho rằng, đề Văn năm nay vẫn theo cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố, không thể yêu cầu mới mẻ hơn. “Nếu có mới mẻ hơn, thì phải là từ kỳ thi năm sau”, trưởng bộ môn Văn của một trường THPT huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.
Theo một số giáo viên, đề Văn năm nay đúng với chương trình kiến thức đã học. Khép lại môn Văn của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 bằng tác phẩm “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm cũng mang ý nghĩa lớn đối với các em học sinh. Học sinh sẽ cảm nhận sâu sắc với tình yêu quê hương, đất nước, ý thức được trách nhiệm của mình.
Tương tự, nghị luận xã hội về tôn trọng cá tính chắc chắn khiến thí sinh thích thú, bởi tôn trọng cá tính, tôn trọng sự khác biệt luôn là điều mà các em học sinh mong muốn và chương trình giáo dục phổ thông mới cũng hướng mạnh đến điều này: phát triển năng lực học sinh, tôn trọng cá tính học sinh.