Măng đen thích hợp để nghỉ dưỡng
Đến Măng Đen vào một ngày đầu hè, khung cảnh khá vắng vẻ. Hai bên đường là rừng thông xanh mướt chạy tít tắp, xen lẫn trong những vạt rừng thông là các dãy biệt thự đã xây xong phần thô hoặc hoàn thiện rồi bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, có biểu hiện xuống cấp. Nhẩm đếm, có hơn 50 căn biệt thự bỏ hoang như thế.
Các điểm du lịch có tiếng ở đây như khu du lịch thác Pa Sỹ, tượng Đức mẹ Măng Đen, khu du lịch sinh thái Hoàng Vũ, chùa Khánh Lâm… cũng vắng hoe. Anh Phạm Phúc, hướng dẫn viên du lịch từ Gia Lai, người dẫn nhiều đoàn khách đi Măng Đen và Đà Lạt cho biết, Măng Đen rất có tiềm năng phát triển giống Đà Lạt, tuy nhiên thực tế du lịch ở đây không phát triển nhiều, không đồng bộ. Các sản phẩm du lịch ở Măng Đen quá đơn điệu, không có dịch vụ vui chơi giải trí, không có gì để giữ du khách ở lại, khiến khách đến một lần rồi thôi. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn còn quá kém. Việc phục vụ du khách cũng không chuyên nghiệp. Đường sá, cơ sở hạ tầng vẫn chưa ổn.
“Du lịch không chỉ đi tham quan, ngắm cảnh đẹp mà còn là sử dụng sản phẩm. Măng Đen thích hợp để nghỉ dưỡng vì có khí hậu mát mẻ, chứ còn để tham quan thì buồn. Lên Măng Đen buổi tối tầm 19-20 giờ thì hết cái để ăn. Khách kêu không có gì ăn thì ở trên đây làm gì”, anh Phúc nói thêm.
Ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH-TT-DL Kon Tum, cho biết Măng Đen đã được Chính phủ quy hoạch xây dựng thành khu du lịch quốc gia đến năm 2030. Thực tế những năm qua, tỉnh và huyện cũng từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, khu vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhà nước cũng đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở Kon Plông, tạo cơ chế để người dân tham gia các hoạt động du lịch… Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Măng Đen vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này thể hiện ở việc lượng khách đến Măng Đen có lúc chưa đạt được như kỳ vọng. Việc phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng có nhiều lý do, trong đó có việc nguồn lực đầu tư còn hạn chế, người dân chưa quen làm du lịch, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mới và hàng hóa đặc trưng.
Để thúc đẩy Măng Đen phát triển, ông Đỗ Văn Minh cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng 3 vùng kinh tế. Trong đó đặc biệt là Kon Plông, triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch. Một trong các biện pháp then chốt là tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng giao thông cho du lịch Măng Đen phát triển; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng như bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên, cảnh quan. Điều quan trọng phải có sự tham gia của người dân trong các hoạt động du lịch để chia sẻ các mối lợi ích do du lịch mang lại.
Gia Nghĩa - vùng đất hội tụ văn hóa truyền thống
Được thành lập từ tháng 6-2005, thị xã Gia Nghĩa là tỉnh lỵ của Đắk Nông, với diện tích 285km². Có độ cao trên 600m so với mực nước biển, khí hậu và địa hình tự nhiên có nhiều nét tương đồng với TP Đà Lạt, Gia Nghĩa được kỳ vọng sẽ trở thành “Đà Lạt 2”, một đô thị phát triển du lịch và nông nghiệp.
Theo ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, địa phương có khí hậu ôn hòa, chia làm 2 mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình 22,4 0C; địa hình, thổ nhưỡng màu mỡ, trù phú nên rất thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, Gia Nghĩa có 19 dân tộc anh em nên hội tụ văn hóa truyền thống đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh mang nét hoang sơ nên rất thuận lợi phát triển ngành du lịch. Thị xã Gia Nghĩa cũng là cửa ngõ quan trọng nối Tây Nguyên với khu vực Đông Nam bộ, TPHCM. Gia Nghĩa cách TPHCM 200km, cách Đà Lạt 170km và cách cửa khẩu Bu Prăng (đi Campuchia) chỉ 60km nên thuận lợi giao thương với các tỉnh lân cận và phát triển kinh tế, xã hội.
Thế nhưng, hơn 13 năm từ ngày thành lập đến nay ngành du lịch và nông nghiệp ở địa danh này vẫn chưa phát huy được tiềm năng vốn có, mặc dù trong những năm gần đây đã có hướng biến chuyển so với các năm trước. Năm 2017, Gia Nghĩa đón khoảng 90.350 lượt khách lưu trú (trong đó, khách quốc tế khoảng 500 lượt). Tổng doanh thu của hoạt động kinh doanh du lịch đạt hơn 16,5 tỷ đồng. Những con số nói trên là quá khiêm tốn so với tiềm năng của một đô thị như Gia Nghĩa.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Á Châu (TPHCM), Gia Nghĩa có văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, nhiều địa danh đẹp, tuy nhiên chưa được đầu tư về dịch vụ nên không thu hút được khách du lịch. Nếu tỉnh Đắk Nông chú trọng đầu tư về du lịch, phát triển các ngành dịch vụ thì tương lai Gia Nghĩa cũng sẽ thu hút khách không kém Đà Lạt.
Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa, ông Trần Đình Ninh, thừa nhận rằng, Gia Nghĩa chưa phát huy hết tiềm năng vốn có do nguồn lực còn hạn chế, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn làm “đầu tàu” phát triển. Hiện nay, thị xã cũng đang xin chủ trương tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển cách ngành thương mại, dịch vụ… tại địa phương.
Về nông nghiệp, trong những năm qua thị xã Gia Nghĩa cũng đã chú trọng tái cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các vùng chuyên canh rau, củ, quả. Nhưng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được nhân rộng, người dân vẫn chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống.
Ông Trần Đình Ninh cho hay, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với tỉnh Lâm Đồng để được hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân đầu tư vào lĩnh vực này.