Kỳ vọng cơ chế đưa dược liệu “cất cánh”

Tỉnh Quảng Nam đang thúc đẩy hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu theo định hướng Quy hoạch chung của tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là tiền đề phát triển ngành dược liệu theo hướng công nghiệp hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng cho tỉnh Quảng Nam, xa hơn là góp phần hiện thực hóa mục tiêu để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Mô hình thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng quy mô công nghiệp theo hướng dẫn GACP của WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)
Mô hình thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng quy mô công nghiệp theo hướng dẫn GACP của WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Mới dừng ở chế biến thô

Theo đánh giá, ngành công nghiệp dược liệu của tỉnh Quảng Nam rất có lợi thế phát triển do tỉnh có tiềm năng và lợi thế vượt trội với 832 loài dược liệu phân bổ từ biển đến vùng núi. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam. Theo thống kê, tỉnh có vùng nguyên liệu phát triển ngành dược lên đến 90.000ha trải dài từ vùng đồng bằng đến miền núi, mở rộng ra các tỉnh lân cận thì có thêm 50.000ha.

Ưu tiên đẩy mạnh việc trồng cây dược liệu ở vùng trung du, miền núi lâu nay đã đem lại cho tỉnh Quảng Nam nhiều “trái ngọt”. Nhờ trồng dược liệu như cây sâm Ngọc Linh, ba kích… mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có những ngôi làng được mệnh danh là làng tỷ phú như ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), trước đây từng nghèo nhất nước, nhưng nay người dân đã sắm ô tô, xây nhà lầu nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Thế nhưng, việc trồng và chế biến các loài dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới chỉ dừng lại ở mức chế biến ban đầu. Ngoài việc bán tươi cho thương lái, các sản phẩm dược liệu chỉ dừng ở mức sấy khô làm trà, ngâm mật ong hoặc ngâm rượu. Cũng do chưa có nhà máy chế biến sâu, chưa có doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn tại địa phương nên mỗi khi thu hoạch, người dân thường bị thương lái ép giá.

Ông Hồ Văn Bông, một hộ dân trồng sâm Ngọc Linh tại thôn 2 (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) chia sẻ, hiện nay, sâm chủ yếu được gia đình bán cho các thương lái nên đầu ra không ổn định, vào vụ thu hoạch lá hay củ thường bị ép giá. Mong muốn của bà con là có doanh nghiệp lớn đến đứng ra thu mua để không còn bị ép giá, bà con an tâm hơn trong đầu tư chăm sóc cây sâm quý.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nhìn nhận, hiện các sản phẩm chế biến từ dược liệu như sâm Ngọc Linh, đảng sâm… trên địa bàn đã có nhưng chưa được đa dạng. Dược liệu thô của bà con đến mùa thu hoạch giá cả vẫn còn bấp bênh. Điều này xuất phát từ nguồn cung vượt cầu do các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn còn ở quy mô nhỏ và trung bình, không đủ tiềm lực kinh tế để bao tiêu hết sản phẩm.

“Để không còn tình trạng đầu ra bấp bênh, cần có các tập đoàn lớn đến đầu tư để ngành dược liệu trên địa bàn phát triển bền vững hơn, vì địa phương còn dư địa phát triển ngành này rất lớn. Làm được điều này, huyện mong muốn tỉnh, Chính phủ có cơ chế chính sách tốt hơn, đặc thù để khuyến khích các “đại bàng” đến làm tổ. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương, một huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.

Phát triển vùng nguyên liệu dược quy mô lớn

Tỉnh Quảng Nam dù có diện tích nuôi trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khá lớn nhưng tiềm năng về nguồn lực phát triển còn hạn chế. Cơ chế, chính sách phát triển ngành dược liệu tại địa phương chưa đủ mạnh, khả năng thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược liệu còn ít. Chế biến dược liệu mới ở mức thô, chưa có chế biến sâu, sản phẩm chưa có thương hiệu đủ mạnh. Nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu còn mỏng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, từ những thực tế đặt ra, tỉnh Quảng Nam đã bắt tay vào xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Điều này giúp địa phương có cơ chế chính sách, nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất chủ trương và giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. Đây là tiền đề, cơ sở vững chắc để Quảng Nam phát huy hết thế mạnh và tiềm năng trong việc phát triển vùng nguyên liệu dược ở quy mô lớn. Đề án được triển khai tại tỉnh Quảng Nam với định hướng mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

“Hiện nay, đề án đã được UBND tỉnh Quảng Nam hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương có liên quan và đang trình Chính phủ phê duyệt. Khi hình thành được Trung tâm công nghiệp dược liệu thì chắc chắn phát huy được tất cả thế mạnh hiện có từ thực tiễn, con người, nhà đầu tư, khoa học - công nghệ.

Hy vọng thời gian không xa, Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam phát triển xứng tầm với kỳ vọng và vươn mình ra khu vực. Việc xây dựng đề án cũng góp phần thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam và cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nội dung hình thành Trung tâm chế biến dược liệu quốc gia”, ông Hồ Quang Bửu kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục