Nhu cầu của người dân chỉ có thể được đáp ứng khi các bộ, ngành, địa phương hoàn thành các mục tiêu về nhà ở xã hội (NƠXH). Thế nhưng, kết quả thực hiện mục tiêu về phát triển NƠXH vẫn còn rất hạn chế. Đó là lý do Chỉ thị 34/CT-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới, vừa được ban hành.
Một lần nữa, các bộ, ngành, địa phương phải nhìn lại công tác phát triển NƠXH thời gian qua và làm rõ vì sao kết quả lại chậm hơn kế hoạch đề ra. Đến thời điểm này, có khoảng 195.000 căn NƠXH đã hoàn thành và 374.000 căn NƠXH được chấp thuận đầu tư, cấp phép xây dựng. Con số này thực sự quá nhỏ so với mục tiêu đạt 1 triệu căn NƠXH vào năm 2030. Chưa kể giá NƠXH bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.
Vẫn còn nhiều vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương vẫn chưa được giải quyết. Trước hết là việc thiếu quỹ đất để phát triển NƠXH. Có một số địa phương chưa quy hoạch, bố trí hoặc công bố quỹ đất NƠXH. Thậm chí, có nơi chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho NƠXH có được thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị. Các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, duyệt đối tượng mua, duyệt giá bán cũng còn rất rườm rà, kéo dài, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dân.
Các luật liên quan đến phát triển NƠXH như: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng, vừa được ban hành, sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Các luật mới này đã cơ bản tháo gỡ nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho NƠXH. Tuy nhiên, các nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống vẫn đang chờ các bộ xây dựng. Dù đã được quán triệt tinh thần phải cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án NƠXH, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp… nhưng nếu tốc độ ban hành các văn bản dưới luật này không được đẩy nhanh thì sẽ còn nhiều dự án bị vướng mắc. Chỉ tính riêng tại TPHCM, do vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, pháp lý, 8 dự án nhà ở xã hội với 25.880 căn hộ vẫn chưa thể khởi công. Với những khó khăn về vốn, quy trình, thủ tục cho vay các gói tín dụng hỗ trợ NƠXH với doanh nghiệp và người dân cũng cần được tháo gỡ để tăng tốc độ giải ngân.
Về phía các doanh nghiệp, ngoài mục tiêu “có lãi”, các doanh nghiệp còn có trách nhiệm đối với quốc gia, với cộng đồng, chung tay cùng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong phát triển NƠXH. Sự quan tâm, vào cuộc của các doanh nghiệp lớn, có đủ kinh nghiệm, đủ tiềm lực tài chính chắc chắn sẽ là động lực tốt cho việc thực hiện mục tiêu 1 triệu căn NƠXH vào năm 2030.
Chỉ thị của Ban Bí thư đã nêu rõ, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển NƠXH; đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương...
Với sự quyết tâm và vào cuộc mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, hy vọng chương trình phát triển NƠXH thời gian tới đây sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó sẽ góp phần giải tỏa bức xúc xã hội khi mang lại chỗ ở an toàn cho những người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn.