Kỳ vọng 4.500 phòng học mới ở TPHCM - Bài 4: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để thực hiện thành công Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới, góp phần phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, TPHCM đã giao Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan triển khai các dự án và kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, về đề án này.

PHÓNG VIÊN: Thưa TS Nguyễn Văn Hiếu, xin ông cho biết về chủ trương xây dựng 4.500 phòng học mới của thành phố?

TS NGUYỄN VĂN HIẾU: Thành phố hiện có 2.362 trường học, trong đó công lập 1.409 cơ sở, ngoài công lập 953 cơ sở, tương ứng với 52.037 phòng học từ mầm non tới THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt.

Nhưng nếu xét theo các tiêu chí quy định của Trung ương và TPHCM, số phòng học, sân chơi, khu tập luyện TDTT, thư viện tại một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa đảm bảo. Còn một số địa phương có sĩ số học sinh trên lớp cao, tỷ lệ học sinh được học bán trú 2 buổi/ngày thấp, chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

C5A.jpg
TS Nguyễn Văn Hiếu động viên thí sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông PHẠM TRUNG KIÊN

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM:

Đốc thúc chủ đầu tư triển khai nhanh các dự án xây trường

Sở KH-ĐT TPHCM đã đề xuất với thành phố giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai xây mới các dự án trường học, trong đó tập trung vào 2 nhóm dự án. Cụ thể, nhóm dự án thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư (quận huyện, TP Thủ Đức…), sở đang rà soát, kiến nghị UBND TPHCM đốc thúc chủ đầu tư làm nhanh.

Đối với nhóm dự án đầu tư theo phương thức xã hội hóa, có thể lựa chọn tập trung cho khối mầm non và tiểu học do Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định 23/2024 của Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quy trình thực hiện dự án xã hội hóa. Sở cũng sẽ nghiên cứu để hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh dự án xã hội hóa.

Ông CHÂU XUÂN ĐẠI THẮNG

Phó Chủ tịch UBND quận 7:

Phát huy lợi thế kêu gọi xã hội hóa

Là một trong những quận đã đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân, quận 7 cơ bản đáp ứng nhu cầu trường lớp, phòng học của học sinh trên địa bàn. Để hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp, quận 7 sẽ khởi công xây mới, cải tạo 8 dự án trường học với 159 phòng (tăng thêm 110 phòng), có tổng mức đầu tư gần 955 tỷ đồng.

Phát huy thế mạnh trong công tác xã hội hóa, quận tiếp tục kêu gọi đầu tư 2 dự án trường, vốn đầu tư 174 tỷ đồng, gồm 1 trường mầm non, 1 trường THCS (quy mô 40 phòng học) để kịp khởi công và hoàn thành trong năm 2025. Quận kiến nghị các sở, ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, nhất là việc cho vay kích cầu để quận hoàn thành các kế hoạch đề ra.

AN KHÁNH

Đề án 4.500 phòng học mới được triển khai trên cơ sở rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư của 21 quận huyện, TP Thủ Đức và một số đơn vị liên quan để đáp ứng chỗ học cho học sinh trên địa bàn TPHCM, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện đề án đến năm 2025 và các mục tiêu phát triển ngành.

Tổng đề xuất đầu tư từ ngân sách tập trung thành phố từ nay đến 2025 gồm 227 dự án, với số phòng học xây mới là 5.560 phòng (ước tăng thêm 4.500 phòng), tổng mức đầu tư gần 34.000 tỷ đồng.

Toàn thành phố còn thực hiện kêu gọi xã hội hóa 110 dự án với quy mô 2.638 phòng học, vốn đầu tư dự kiến hơn 24.803 tỷ đồng. Qua đó giúp ngành đáp ứng nhu cầu trường, lớp học thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp, hướng tới 100% học sinh được học 2 buổi/ngày và sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn quy định theo điều lệ của các cấp học, bậc học.

Theo địa phương, từ nay tới 30-4-2025, thành phố có 30 dự án xây trường hoàn thành cùng với đầu tư từ xã hội hóa, tương ứng 2.089 phòng học mới. Các dự án còn lại đang gặp khó khăn, vướng mắc gì thưa ông?

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 2547/KH-UBND ngày 9-5-2024 của UBND TPHCM có xác định 69 dự án với số phòng học xây dựng mới 1.280 phòng (tăng thêm khoảng 1.100 phòng học), thuộc nhóm “Danh mục các công trình trường học chưa thông qua chủ trương đầu tư khả thi đẩy nhanh tiến độ thực hiện” đã xác định lộ trình thực hiện: Các sở, ban ngành và địa phương phối hợp rà soát, đăng ký và đưa bổ sung vào kế hoạch trung hạn;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định để kịp triển khai khởi công trong năm 2024 và hoàn thành đưa công trình vào sử dụng dịp 2-9-2025. Sở GD-ĐT đã thực hiện việc gửi về Sở KH-ĐT đăng ký danh mục dự án trường học thuận lợi để triển khai vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, đến nay Sở KH-ĐT tiếp tục có công văn nêu các vấn đề về việc có 21 dự án thuộc danh mục được các quận huyện, TP Thủ Đức đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra, có đề xuất 80 dự án giáo dục bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TPHCM báo cáo HĐND TPHCM bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và tiếp tục yêu cầu rà soát gửi lại Sở KH-ĐT trước ngày 3-8-2025.

Ngoài ra, tại cuộc họp về xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 và ý kiến về việc trùng lắp với đề xuất của các quận huyện, TP Thủ Đức đối với 21 dự án thuộc nhóm này, Sở KH-ĐT đã xác định đưa toàn bộ các dự án thuộc nhóm 2 khả thi của Đề án vào giai đoạn trung hạn 2026-2030. Như vậy làm cho tiến độ thực hiện của Đề án bị chậm so với yêu cầu, lộ trình đã đặt ra.

Bên cạnh đó, một số dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư, tuy nhiên hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư còn nhiều trở ngại dẫn đến tiến độ khá chậm, cụ thể: công tác lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch do chưa phù hợp; quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị đối với các công trình có xây dựng tầng hầm; công tác đánh giá tác động môi trường/đăng ký môi trường/cấp giấy phép môi trường tùy vào quy mô và tính chất dự án, điều chỉnh quy mô vướng mắc do Thông tư số 13/202/TT-BGDĐT… mất nhiều thời gian, rườm rà, gây khó cho địa phương.

Sở GD-ĐT có những đề xuất, kiến nghị gì với UBND TPHCM nhằm tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc nêu trên?

Sở GD-ĐT kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban ngành vào cuộc quyết liệt hơn, quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trong thực hiện dự án về quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục liên quan. Các vướng mắc đã được cập nhập trong phần thực trạng pháp lý tại chi tiết danh mục dự án thuộc Kế hoạch 2547; các nội dung Sở GD-ĐT đã kiến nghị tại các công văn số 7735/SGDĐT-KHTC ngày 28-12-2023, công văn số 6301/SGDĐT-KHTC ngày 31-10-2023.

Sở đề xuất xử lý dứt điểm trách nhiệm các nhà đầu tư đã được thành phố giao đất và chấp thuận chủ trương đầu tư khu dân cư mới nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ đầu tư trường học theo quy hoạch.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục các dự án liên quan đến vấn đề thu hồi đất của doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, điều chỉnh quy hoạch... để thực hiện đầu tư xây dựng trường lớp chưa được giải quyết, kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở TN-MT, Ban chỉ đạo 167, Sở QH-KT, UBND 21 quận huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết để tăng quỹ đất đầu tư cho giáo dục.

Trong các buổi làm việc với sở ngành, quận huyện liên quan tới 50 công trình dự án trọng điểm tiêu biểu cấp thành phố chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhiều lần nhấn mạnh: Các sở ngành, địa phương phải tập trung các nhiệm vụ liên quan đến thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; thủ tục đất đai, xây dựng các dự án. Mặt khác, rà soát những khu đất công, nhà kho tư nhân chưa sử dụng trong thời gian tới (ít nhất là 5-7 năm); các trường theo quy hoạch xây dựng tại các khu dân cư; khu đô thị, chủ đầu tư phải giao đất để xây trường, mở lớp…

Tin cùng chuyên mục