Kỳ vọng 4.500 phòng học mới ở TPHCM - Bài 3: Giải cứu những phòng học “chuồng chim”

Giải được bài toán thu hồi đất công để tiến hành suôn sẻ các dự án trường học, nhiều địa phương lại tiếp tục tìm lối ra cho các ngôi trường cũ nát, vướng quy hoạch treo hàng chục năm qua.

Chật chội, xuống cấp

Đến Trường THCS Văn Lang, phường Tân Định, quận 1, chúng tôi không tin ngôi trường tọa lạc ở quận trung tâm thành phố lại có cơ sở vật chất kém xa các trường học ở vùng ven. Khuôn viên trường rộng khoảng 1.000m2 (gồm 2 khối nhà A-B có 16 phòng học và 4 phòng chức năng…) đang phải oằn mình gánh 650 học sinh.

Gọi lớp học là “chuồng chim” bởi diện tích chỉ 30-32m2 nhưng có đến 45 học sinh. Một số phòng học, phòng thiết bị ẩm thấp “ẩn” mình trong góc của 2 khu nhà. Đáng lo hơn, hành lang các tầng 1, 2, 3 rộng chưa tới 1m, nhà trường phải gia cố hệ thống lan can bảo vệ cao 1,6m để giữ an toàn cho học sinh. Khổ nhất là tại khu A, lầu 2 và 3 không có nhà vệ sinh cho học sinh.

B5b.jpg
Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu (quận 6) được xây mới năm 2003, đưa vào sử dụng 2004 nhưng sau 1 năm do sụt lún nghiêm trọng nên bỏ hoang cho đến nay

“Trước khi tôi về nhận công tác, trường chỉ có 1 nhà vệ sinh bên khu B. Không để tình trạng này kéo dài, được sự hỗ trợ của quận, trường vừa tiến hành cải tạo lại không gian phòng học, đầu tư xây thêm 2 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khó khăn hiện vẫn bộn bề!”, thầy Trần Ngọc Lâm, Hiệu trưởng nhà trường kể.

Thầy Lâm nói thêm: “Ngoài chuyện cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng do sử dụng đã trên 50 năm, công tác tuyển dụng giáo viên cũng khó khăn không kém. Năm 2023, trường đăng ký tuyển dụng 10 giáo viên, nhưng không ai nộp hồ sơ ứng tuyển. Về chỉ tiêu, quận phân tuyến lớp 6 với bình quân 200 học sinh/năm học, nhưng năm nào cũng chỉ tuyển được 50%-70%”.

1.jpg
Các lớp học “chuồng chim” của Trường THCS Văn Lang (quận 1) có diện tích 28-32m². Ảnh: QUANG HUY

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận 1, Trường THCS Văn Lang được UBND quận 1 phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 49 tỷ đồng, quy mô 1 tầng hầm, 4 tầng lầu. Khi ban phối hợp các đơn vị liên quan thuộc quận thực hiện dự án thì phát sinh nhiều khó khăn như còn 2 hộ dân nằm trong khuôn viên trường, trong khi kinh phí bồi thường, đền bù cho họ không được bố trí trong tổng mức đầu tư… dẫn tới dự án không thể thực hiện.

“Hiện quận đã đề xuất UBND TPHCM, Sở KH-ĐT chấp thuận chủ trương điều chỉnh từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo với tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng. Quận 1 mong mỏi thành phố sớm chấp thuận phương án này”, ông Phạm Quách Trường Giang, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận 1, cho hay.

Ngoài Trường THCS Văn Lang, quận 1 cũng có không ít trường học dạng nhà phố cũ, biệt thự, xây dựng trước giải phóng… đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng, xây mới vì thiếu quỹ đất, bị khống chế tầng cao như Trường Mầm non Tuổi Hồng, Tiểu học Nguyễn Huệ, THCS Đồng Khởi, THCS Chu Văn An, THCS Đức Trí.

Chưa kể, khi xây mới trường phải đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định mới và số phòng học lại bị giảm. Khi quận tìm giải pháp, chẳng hạn như mua lại đất của các hộ nhà dân liền kề để có thể mở rộng trường thì cũng gặp vướng mắc. Người dân đồng ý, nhưng sau đó thủ tục chuyển đổi quá nhiêu khê, kéo dài, họ đổi ý không bán nữa.

3.jpg
Cầu thang rộng khoảng 60cm, dốc ngược tại Trường THCS Văn Lang (quận 1). Ảnh: QUANG HUY

Cô Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, chia sẻ: “Cơ sở vật chất của trường hiện xuống cấp rất nhiều do đã sử dụng hơn 50 năm, nhưng thầy - trò luôn nỗ lực vượt khó, giữ vững kết quả dạy - học trong tốp đầu của quận. Mong mỏi của chúng tôi là dự án xây mới trường có quy mô 30 phòng học, đầy đủ phòng chức năng, sớm được sở ban ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để quận triển khai xây mới trong thời gian tới”.

Nhu cầu cấp thiết

“Các bạn cố gắng tăng tốc cắt, tỉa, dọn thật sạch khu vực đó để không cho muỗi sinh sản, thành ổ dịch”, ông Nguyễn Quốc Thống, Chủ tịch UBND phường 27, Bình Thạnh, động viên nhóm thanh niên tình nguyện, dân quân tự vệ sớm hoàn thành công việc trong khuôn viên Trường THPT Thanh Đa cũ. Trong 7 năm qua, sau khi Trường THPT Thanh Đa được xây mới và di dời về cơ sở khang trang hơn, ngôi trường cũ trở thành “gánh nặng” của địa phương.

7.jpg
Trường THPT Thanh Đa cũ nằm trên địa bàn phường 27, quận Bình Thạnh bỏ hoang 7 năm qua. Ảnh: QUANG HUY

Trường bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm, nhất là mỗi khi mùa mưa đến; chưa kể có trường hợp người lang thang cắt cửa cổng chui vô cư trú bất hợp pháp. Nỗi lo cháy nổ, đảm bảo an toàn của công cứ nơm nớp trong đầu ông chủ tịch phường. Bình quân 2 lần/năm, phường 27 ra quân dọn dẹp, tổng vệ sinh, được một thời gian đâu lại vào đó bởi không người chăm sóc, dọn dẹp.

“Phường có 21.000 nhân khẩu, đủ trường công lập của 3 cấp học, nhưng tất cả đều quá tải. Nhiều trường xuống cấp không đảm bảo cho việc dạy và học, trong khi Trường THPT Thanh Đa cũ có diện tích hơn 2.100m2 lại bỏ trống từ năm 2017 tới nay, rất lãng phí”, ông Thống nói.

Còn ở quận 6, Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu được xây mới năm 2003, quy mô 1 trệt, 2 lầu, có 26 phòng học đầy đủ phòng chức năng, tổng kinh phí xây dựng gần 20 tỷ đồng trên diện tích 6.500m2, được đưa vào sử dụng năm 2004. Tuy nhiên, đến năm 2008 thì trường dừng hoạt động do công trình đã có hiện tượng lún sụt nền, gây hư hỏng hệ thống kết cấu chịu lực, hệ bao che, công trình phụ trợ như sân nền, nhà vệ sinh, cầu thang thoát hiểm…, và bỏ trống cho đến nay.

10.jpg
Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: QUANG HUY

Để tìm hướng ra cho ngôi trường này, trong những năm qua, quận 6 đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều phương án giải quyết và gửi thành phố, sở ngành liên quan để làm sao công trình sửa chữa đưa vào hoạt động lại trong thời gian sớm nhất có thể. Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu thực hiện công tác nghiệm thu, quyết toán công trình theo kiến nghị của UBND quận 6.

“Dự kiến sau khi nghiệm thu và quyết toán, quận sẽ chủ động trong thực hiện công tác đầu tư xây dựng mới ngôi trường giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, đề xuất chủ trương đầu tư công trong giai đoạn tới với tổng kinh phí khoảng 95 tỷ đồng. Nhưng đến nay, tiến độ nghiệm thu, quyết toán công trình vẫn chưa tiến triển”, ông Huỳnh Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận 6, thông tin.

  • Ông ĐẶNG TẤN HẢI, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh:

Đã có kế hoạch xây mới Trường THPT Thanh Đa cũ

Trường THPT Thanh Đa cũ (quận Bình Thạnh) đã có chủ trương đầu tư xây mới, chuyển đổi thành Trường Mầm non 27B, tổng mức đầu tư gần 55 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện đầu tư và kết thúc trong kế hoạch năm 2022-2024 nếu được phê duyệt, thông qua chủ trương đầu tư dự án và được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong quý 2-2022. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến của các sở ngành về dự án này thì quận nhận được phản hồi: Dự án chưa được thông qua chủ trương đầu tư do chưa phù hợp quy hoạch 1/2000. Quận Bình Thạnh tiếp tục có văn bản kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở ngành tháo gỡ, chấp thuận thông qua chủ trương đầu tư để sớm khởi công xây mới trường.

  • Bà LÊ THỊ THU SƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình:

Mong nhận được sự đồng thuận của người dân

Theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận Tân Bình, từ năm 2002, phường 15 được quy hoạch xây dựng cụm các trường, gồm: Trường THCS Trần Thái Tông và Trường THPT Tân Sơn. Quận Tân Bình đã có nhiều buổi làm việc với 81 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án xây trường, nhưng các hộ dân chưa đồng thuận với mức hỗ trợ của thành phố. Trong khi đó, theo dự kiến đến năm 2028, địa bàn phường 15 cần thêm 76 phòng học mới để đáp ứng chỗ học cho 3.392 học sinh. Quận đang tham mưu cho UBND TPHCM vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 trong công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 từ xây 2 trường thành 1 trường (trường THCS) đạt chuẩn quốc gia. Mong người dân hiểu được nhu cầu cấp bách về trường lớp của quận để đồng thuận, mới sớm triển khai được dự án xây trường này.

AN KHÁNH

Tin cùng chuyên mục