Khách tham quan trưng bày chuyên đề. ẢNH: QUỐC THANH |
Chuyên đề giới thiệu 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, được chia thành 3 nhóm nội dung: nhóm kỷ vật của các chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam; nhóm kỷ vật là hành trang của người chiến sĩ trên các mặt trận khác nhau như: nhà báo, phóng viên chiến trường, văn công Quân Giải phóng miền Nam, các chiến sĩ Quân Giải phóng, nữ chiến sĩ miền Nam, đội ngũ y sĩ, bác sĩ,... Và nhóm kỷ vật của những cựu binh, cựu tù chính trị.
|
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta diễn ra vô cùng anh dũng, kiên cường, nhưng cũng cực kỳ gian khổ, khốc liệt. Trong khói lửa chiến tranh, tinh thần yêu nước, chịu đựng hy sinh, gian khổ càng được nêu cao. Tình đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình, tình quân dân keo sơn giữa hậu phương và tiền tuyến càng gắn bó ấm nồng.
Trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi, những chiến sĩ cách mạng đã viết lên những trang thư, những bài thơ tha thiết, vẽ lên những bức tranh đầy xúc động hay sáng tạo ra những vật dụng, gửi về cho gia đình với biết bao niềm nhớ thương, hy vọng.
Sau khi chiến tranh kết thúc, những kỷ vật thiêng liêng của nhiều chứng nhân lịch sử đã được trân trọng gìn giữ, từ đó được kết nối để chúng ta thấy được một thời máu lửa, trong đó có cả sự yêu thương, tình đồng chí, đồng đội cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; những nỗi nhớ khôn nguôi, lòng hiếu thảo của những người con với các bậc sinh thành; tình cảm thủy chung son sắt của vợ chồng, tình cảm cha con. Và ở đó có cả máu, nước mắt, sự hy sinh, cùng những hoài bão, ước mơ và nghị lực phi thường của một thời tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước, để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay.
Khách tham quan trưng bày chuyên đề. Ảnh: QUỐC THANH |
Câu chuyện của liệt sĩ, phóng viên chiến trường Đỗ Văn Nhân trang trọng một góc trưng bày, khiến người xem xúc động bởi dòng thư gửi từ chiến trường năm ấy. Lá thư ngày 14-5-1968, ông viết: “Xa em sao bố thấy thương em nhiều. Thương nhiều lắm... Em hãy cứ tin rằng anh của em lúc nào cũng khỏe và chắc chắn sẽ về với em một ngày không xa lắm”.
|
Liệt sĩ, phóng viên Đỗ Văn Nhân sinh ngày 28-1-1934 tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tham gia cách mạng từ năm 1959. Từ một thợ ảnh, năm 1966 ông đã trở thành một nhà nhiếp ảnh chiến trường làm việc cho Việt Nam Thông tấn xã. Năm 1967, tại Phân xã đặc biệt Nam khu IV (Bắc Trung bộ), ông bị thương và được phân công về Thông tấn xã Giải phóng tại Phân khu Nam thuộc Trung Trung bộ. Trong những lá thư ông gửi gia đình là những tình cảm nhớ thương tha thiết dành cho vợ là bà Lê Thị Tuyết đang ở nhà tần tảo nuôi 2 con và đợi ông về.
Nhưng không lâu sau, vào ngày 8-3-1969, ông đã mãi mãi nằm lại chiến trường vì bị thương và căn bệnh sốt rét. Vợ ông - bà Lê Thị Tuyết mất chồng ở tuổi 34, nhưng đã ở vậy nuôi con và nâng niu, gìn giữ cẩn thận tất cả những kỷ vật của ông. Năm 1992, hài cốt của ông mới được tìm thấy ở Phú Yên, sau đó được di dời về Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội.